Dù cơ quan chức năng có nhiều động thái cứng rắn nhưng tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép hổ với mục đích nấu cao tại Việt Nam vẫn diễn ra khá sôi động.
Phát hiện nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hổ trái phép
Đêm 19/1, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an Hà Tĩnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an huyện Hương Sơn khám xét nhà ông Đinh Nhật Nghệ (SN 1972, trú thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm) và phát hiện một cá thể hổ nặng 250kg trong tình trạng đã chết. Con hổ được xác định bị trích điện.
Sau gần 1 ngày bỏ trốn, ông Nghệ đã đến cơ quan công an đầu thú. Ông Nghệ khai mua con hổ từ Nghệ An đưa về nhà để nấu cao hổ nhưng chưa kịp thì bị bắt.
Cá thể hổ có trọng lượng 250kg được phát hiện tại nhà ông Nghệ |
Vụ bắt “ông trùm” buôn bán hổ xuyên quốc gia Nguyễn Hữu Huệ (SN 1967, Nghệ An) khi đang vận chuyển 7 con hổ con đông lạnh vào cuối tháng 7/2019 cũng gây xôn xao dư luận. Huệ được biết đến là đối tượng cầm đầu, chuyên buôn bán, vận chuyển hổ và các loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm xuyên quốc gia từ nhiều năm nay.
Đường dây của Huệ đã nhiều lần bị công an các địa phương tổ chức triệt phá. Nhưng với bản chất “cáo già” tinh vi nên “ông trùm” này đều thoát hiểm. Huệ thành lập công ty kinh doanh vật liệu xây dựng làm vỏ bọc cho hoạt động buôn bán hổ và động vật hoang dã bất hợp pháp. Đầu tháng 1/2020, Huệ bị TAND Thành phố Hà Nội tuyên phạt 6 năm tù.
Ngày 14/9/2019, Nguyễn Nhật Hồng (37 tuổi) và Nguyễn Thái Chiến (27 tuổi) cùng trú ở Hương Sơn, Hà Tĩnh bị bắt quả tang khi đang lái ô tô chở 1 con hổ còn sống, nặng khoảng 240kg được nhốt trong lồng sắt. Hai người này khai vận chuyển con hổ từ Nghệ An giao cho Nguyễn Văn Minh (49 tuổi, tạm trú phường Hồng Hải, TP. Hạ Long, Quảng Ninh).
Sau khi bị bắt, Minh khai nhận mua con hổ này của 1 người đàn ông tên Trình ở Nghệ An và thuê Nhật, Chiến vận chuyển ra TP. Cẩm Phả để nấu cao. Khám xét nơi ở của Minh, lực lượng chức năng thu giữ thêm 2 bộ xương, 12 bộ xương sọ đầu, 3 bộ da hổ và các vật dụng, nguyên liệu nấu cao.
Trước đó, ngày 6/11/2017, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa bắt quả tang đối tượng Lê Văn Trung (SN 1981, trú tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) vận chuyển trái phép một cá thể hổ 300kg còn sống. Trung khai cá thể hổ này được vận chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội tiêu thụ.
Vào ngày 6/6/2018, kiểm tra xe ô tô do Hoàng Văn Thiên (SN 1991, trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển lưu thông trên quốc lộ 7A, lực lượng chức năng phát hiện 5 cá thể hổ đã chết được bỏ trong thùng xốp. Tài xế khai nhận, 5 cá thể hổ trên là của Bùi Văn Hiếu (SN 1992, trú xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu).
Báo động nạn buôn bán hổ để nấu cao ở Việt Nam
Buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ đều bị pháp luật Việt Nam cấm dưới mọi hình thức. Song, trên thị trường chợ đen, các hoạt động này vẫn diễn ra khá sôi động.
Giá cao hổ trên thị trường chợ đen khá trôi nổi. Nhưng người mua rất dễ gặp phải cao rởm. Một ông trùm tên T. ở Diễn Châu (Nghệ An), nơi được dân buôn mệnh danh là “thủ phủ cao hổ miền Trung”, cho biết trên VTC News: “Một con hổ tầm tạ rưỡi may chăng chỉ thu được tầm 10-12kg xương, trộn với một ít nhung hươu, phụ gia và một phần nhỏ xương sơn dương (phi sơn dương bất thành hổ cốt), mai rùa, thì khi nấu cho ra chừng hơn 4kg cao thành phẩm. Thêm các khoản chi phí khác thì giá 1 lạng cao hổ cốt loại xịn không bao giờ dưới mức 20 triệu đồng”.
Cao hổ. |
Y học cổ truyền vùng Đông Nam Á rất chuộng cao hổ. Hổ nuôi nhốt thường bị mổ xẻ lấy xương nấu cao. Người ta tin cao hổ cốt có thể chữa mọi vấn đề về xương khớp ở người.
Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh tác dụng chữa bệnh của cao hổ. Song, những niềm tin vô căn cứ về dược tính thần kỳ của cao hổ đã đẩy loài vật này vào nguy cơ tuyệt chủng ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), từ trên 100 cá thể vào năm 2001, đến nay, số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam chỉ còn chưa tới 7 con.
"Buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ như cao hổ, da, xương, móng vuốt hổ là nguyên nhân lớn nhất đẩy loài hổ ở Việt Nam đến bờ vực tuyệt chủng. Từ năm 1997 tới nay, không thấy ghi nhận bằng chứng sinh sản hổ trong tự nhiên tại Việt Nam", TS. Văn Ngọc Thịnh chia sẻ trên Dân Việt.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thông tin, giai đoạn từ 1/2019-6/2020, phòng bảo vệ động vật hoang dã của ENV đã ghi nhận hơn 650 vụ việc vi phạm liên quan đến hổ. Các vi phạm gồm: quảng cáo, tàng trữ, mua bán cao hổ, móng vuốt, nanh, nội tạng, da hổ; buôn bán các cá thể hổ sống và đông lạnh để nấu cao.
Còn theo điều tra của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), nguồn hổ dùng để nấu cao ở Việt Nam phần lớn là hổ nuôi. Tính đến tháng 7/2020, có hơn 12.000 cá thể hổ sống trong các cơ sở nuôi nhốt trên khắp thế giới, trong đó có 6.057 cá thể ở Trung Quốc, còn lại thuộc về 3 quốc gia là: Lào, Thái Lan và Việt Nam.
Theo báo cáo được mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã TRAFFIC công bố vào ngày 3/9/2020, Việt Nam được xác định là quốc gia trọng điểm buôn lậu các bộ phận của hổ trước khi tuồn sang Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh nạn buôn bán hổ đang phát triển ngày một tinh vi, trở thành các đường dây/tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế trong khu vực và xuyên lục địa để giải quyết triệt để các mạng lưới tội phạm này.
Mới đây, chỉ thị dừng nhập khẩu động vật hoang của Thủ tướng Chính phủ với nhiều hành động xử lý quyết liệt là tín hiệu đáng mừng trong việc ngăn chặn buôn bán sử dụng động vật hoang dã trái phép, góp phần ngăn chặn nguồn cung hổ từ các nước láng giềng.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)