Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương thì tổng bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng của năm 2021 đạt từ 13,5 - 13,7 tỷ USD. Dự báo năm nay thị phần bán lẻ trực tuyến là 16,5 tỷ USD và đến năm 2025 là 38 - 39 tỷ USD.
Xu thế mua hàng của người dân đang có sự thay đổi nhanh chóng trong 2-3 năm gần đây và cả những năm tiếp theo với bất cứ mặt hàng nào, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát... phát triển mạnh. Nhiều công ty chuyển phát lớn có doanh thu từ đây chiếm tới 90-95%. Cùng với mức tăng nhanh là diễn biến phức tạp, khó kiểm soát hơn trên thị trường mạng.
Theo Bộ Công Thương, mỗi năm có khoảng 1.500 đơn khiếu nại từ doanh nghiệp, người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng giao dịch trên mạng. Riêng năm 2021, hơn 3.000 vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện, với 14.000 sản phẩm vi phạm.
Lực lượng Hải quan kiểm tra hàng hóa vi phạm
Hàng giả xuất hiện ở nhiều phân khúc của thị trường. Hầu hết thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái, với nhiều hình thức tinh vi. Đặc biệt là những tháng cận Tết chính là thời điểm các đối tượng buôn hàng giả tung hoành, gia tăng về cả khối lượng lẫn chủng loại hàng hóa, khiến người dùng như rơi vào “mê trận” và khiến nhiều doanh nghiệp chân chính bị thiệt hại.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho biết. hành vi buôn bán hàng giả nói chung và buôn bán hàng giả qua mạng internet nói riêng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà các đối tượng buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự.
Chế tài hành chính : Mức cao nhất là 70.000.000 đồng
Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng thì mức phạt tiền thấp nhất là 1.000.000 đồng, cao nhất là 70.000.000 đồng.
Hành vi buôn bán giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: mức phạt thấp nhất là 2.000.000 đồng, cao nhất là 50.000.000 đồng.
Hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả: mức thấp nhất là 300.000 đồng, cao nhất là 30.000.000 đồng.
Chế tài hình sự : Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh có thể bị tử hình
Đối tượng có hành vi buôn bán hàng giả không phải là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015. Theo đó, cá nhân vi phạm có thể phạt tù cao nhất lên tới 15 năm, bên cạnh đó, người này còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đối tượng có hành vi buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự. Theo đó, căn cứ vào giá trị tài sản bị thiệt hại, số lợi bất chính, mức phạt áp dụng đối với người có hành vi vi phạm có thể lên đến 15 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Đối tượng có hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự, mức phạt cao nhất có thể áp dụng đối với cá nhân vi phạm là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối tượng có hành vi mua bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi theo quy định tại Điều 195 Bộ luật hình sự, mức phạt cao nhất là 20 năm tù với cá nhân.
"Khi biết về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp, người dân có thể tố giác qua số điện thoại hotline hoạt động 24/7 của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) là 1900.888.655. Cơ quan này sẽ tiếp nhận thông tin tố giác từ người dân và doanh nghiệp về các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và kịp thời có phương thức xử lý, ngăn chặn hiệu quả. Ngoài ra, người phát hiện hành vi vi phạm còn có thể gửi đơn thư, khiếu nại tới Tổng cục Quản lý thị trường. Bên cạnh đó, do có dấu hiệu tội phạm, người dân còn có thể gửi đơn tố giác đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác." - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm.