Bật mí về buồng chuối khủng “siêu đẻ”, ông Lê Văn Ba (trú xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, Bình Định), cho biết: “Đây là giống chuối cảnh có nguồn gốc từ nước Lào và được trồng tại gia đình người quen ở tỉnh Nghệ An. Đến năm 2015, con trai tôi xin giống về trồng tại nhà. Khoảng 4 tháng gần đây, cây chuối bắt đầu trổ buồng, trung bình mỗi ngày ra 2 nải. Đến nay, buồng chuối đã có hơn 200 nải và đang tiếp tục trổ nải”.
Buồng chuối dài hơn 2m đã cho ra hơn 200 nải khiến nhiều người trầm trồ
Do nằm ở ven đường giao thông, chuối lại trổ buồng “khủng” nên rất nhiều người đi đường ghé xem và chụp hình lưu niệm. Theo ông Ba, ông không dùng nhiều phân bón, chủ yếu dùng phân chuồng bón cây khi trồng, tưới nước đều đặn và để cây mọc tự nhiên. Thế nhưng, không hiểu lý do vì sao chuối lại ra nhiều nải đến thế, cứ mỗi sáng thức dậy là thấy buồng chuối “đẻ” thêm 2 nải. Buồng chuối này chắc chắn sẽ còn ra tiếp nữa và có khả năng sẽ chạm đất vì hoa vẫn còn trổ.
Điều lo ngại, thân chuối nhỏ nhưng phải “cõng” cả buồng chuối dài nên nguy cơ cây ngã đổ là rất lớn. Sợ cây không trụ nổi, gia đình ông Ba đã dùng nhiều vật dụng, cây cối để chống đỡ.
Ghi nhận của phóng viên, các nải chuối ở gần phần cuống có trái to bằng ngón chân cái người lớn, các nải ở giữa và cuối buồng có trái nhỏ dần, chỉ bằng ngón tay. Hàng trăm nải sắp xếp thành từng lớp, theo thứ tự mỗi lớp 2 nải.
“Lúc đầu các nải chuối trổ ra thì trái cũng to và bình thường như các loại chuối khác. Tuy nhiên, khi đã trổ ra đến nải thứ 8 thì trái chuối nhỏ lại. Thấy lạ nên tôi cứ để càng lâu, buồng chuối càng trổ nhiều nải, chi chít trên buồng. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang hồi hộp chờ xem chuối sẽ ra được tất cả bao nhiêu nải”, ông Ba chia sẻ.
Hiện tại, chưa có nhà khoa học nào vào nghiên cứu xem lý do vì sao buồng chuối trên lại "đẻ" ra nhiều nải đến thế.