Tờ Business Times (Singapore) đưa tin, 9/10 doanh nghiệp châu Âu kinh doanh tại ASEAN được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm tới. Trong đó, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan là các thị trường hàng đầu được những doanh nghiệp này lựa chọn để mở rộng hoạt động.
Đây là thông tin vừa được công bố trong báo cáo của Standard Chartered. Báo cáo thực hiện thăm dò ý kiến các giám đốc điều hành tại 40 công ty có trụ sở châu Âu về hành lang thương mại châu Âu - ASEAN.
Theo đó, 88% số người được hỏi kỳ vọng rằng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng tích cực trong 12 tháng tới, dựa trên các yếu tố thúc đẩy như thị trường tiêu dùng tăng nhanh, cùng hàng loạt hiệp định thương mại tự do...
Đáng chú ý, Việt Nam đứng đầu danh sách là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với 60% người lựa chọn mở rộng hoạt động kinh doanh và sản xuất tại đây. Tiếp theo là Malaysia (53%) và Thái Lan (48%). Báo cáo nhấn mạnh, hành lang thương mại châu Âu - ASEAN dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong 6 lĩnh vực tiềm năng.
Thứ nhất là lĩnh vực sản xuất dược phẩm, đặc biệt tại các thị trường như Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Nhu cầu tăng cao sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp châu Âu xuất khẩu thành phẩm dược phẩm cho các nhà sản xuất trong khu vực.
Tiếp đến là các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh của châu Âu như Unilever và Nestle đang tăng trưởng bền vững nhờ tầng lớp trung lưu trong khu vực ngày càng nhiều, cùng nhu cầu cao hơn. Đặc biệt, mảng thực phẩm và đồ uống sẽ là "đầu tàu" tại các thị trường lớn như Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Thứ ba, ngành công nghiệp ô tô khu vực ASEAN đang ngày càng tập trung vào hoạt động sản xuất và xuất khẩu xe điện giai đoạn hậu Covid-19. Xu hướng này sẽ thúc đẩy đầu tư đối với các nhà sản xuất và cung cấp châu Âu.
Thứ tư, các công ty trong lĩnh vực xây dựng và công nghệ của châu Âu cũng có khả năng cung cấp giải pháp số và xanh khi khu vực Đông Nam Á đầu tư vào thành phố thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông, cũng như logistics.
Thứ năm, các sáng kiến năng lượng tái tạo là cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu hỗ trợ tài chính hoặc hỗ trợ công nghệ, nhất là khi công suất năng lượng mặt trời tại Việt Nam, Thái Lan và Philippines đang tăng gấp đôi, và Việt Nam cũng tập trung thúc đẩy nguồn năng lượng gió.
Cuối cùng, thị trường thương mại điện tử khu vực ASEAN sẽ trở thành một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất, với động lực bền vững ngay cả trong giai đoạn bùng dịch Covid-19.
Nhìn chung, triển vọng về thị trường Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác vẫn tiếp tục được Standard Chartered đánh giá cao, ngay cả khi 75% cho rằng họ vẫn chưa rõ về các quy định, thủ tục thanh toán hay cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Trong khi đó, 65% cho hay, việc thích nghi với các mô hình kinh doanh trong khu vực là một thách thức, trong khi 58% băn khoăn trong việc điều chỉnh giữa hoạt động logistics và nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của họ.
Robert Newell, Giám đốc điều hành phụ trách các tập đoàn toàn cầu châu Âu tại Standard Chartered kết luận: "Các thị trường ASEAN tiếp tục mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu, thậm chí cho cả những doanh nghiệp đang có kế hoạch đa dạng hóa và mở rộng hoạt động đầu tư vào thị trường có lao động tay nghề cao và nhóm người tiêu dùng ngày càng lớn".