Không phải ngẫu nhiên trong những năm gần đây, nông sản Việt liên tục lập kỳ tích. Đó là thành quả của một giai đoạn truân chuyên đấu trí để đàm phán mở cửa thị trường, nỗ lực tái cơ cấu sản xuất chinh phục những khách hàng khó tính nhất thế giới.
Hành trình tỷ USD của trái cây Việt
Cách đây 2 năm, sầu riêng còn là một mặt hàng ít tên tuổi trong nhóm sản phẩm rau quả chủ lực của Việt Nam. Con số kim ngạch xuất khẩu cũng mới chỉ dừng ở mức mấy chục triệu USD/năm. Ít ai ngờ được, sau khi được khơi thông thị trường, đặc biệt sang Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng liên tục tăng theo cấp số nhân.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, và đến thời điểm này lên tới 2,5 tỷ USD, trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1 của nước ta. Đặc biệt, vừa qua, Việt Nam tiếp tục ký thành công Nghị định thư đưa mặt hàng sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc .
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, đây là thành quả đột phá của nông sản Việt Nam. Khi có Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh , chúng ta sẽ có nhiều lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng. Sầu riêng bóc múi hoặc nguyên quả được cấp đông lạnh đảm bảo yêu cầu kỹ thuật là có thể xuất khẩu.
“Bộ NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch riêng để phát triển bền vững ngành sầu riêng. Trong đó, yêu cầu tất cả lô hàng sầu riêng xuất khẩu phải được lấy mẫu và phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới cho xuất khẩu. Lô hàng nào quả còn non, sượng sẽ bị dừng lại; chỉ xuất khẩu những lô hàng đạt yêu cầu về kiểm dịch và có biện pháp xử lý đối với đơn vị xuất khẩu hàng không đảm bảo tuân thủ các yêu cầu. Chúng ta cùng hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.
Thứ trưởng Hoàng Trung
Nói thì nghe dễ, nhưng để có được những con số tăng trưởng kia là cả quá trình dài đàm phán kỹ thuật mở cửa thị trường của các cơ quan chức năng. Điển hình là câu chuyện của thanh long. Trước khi sầu riêng trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, thanh long từng là mặt hàng nông sản tỷ USD số 1 của Việt Nam, và phải vượt qua nhiều khó khăn để tiếp cận thị trường khó tính bậc nhất thế giới: nước Mỹ.
Thứ trưởng Hoàng Trung kể, hành trình đàm phán đưa thanh long sang Mỹ mất tới gần 10 năm. Thời điểm đó, do quy trình đánh giá vừa tỉ mỉ, vừa trên phạm vi rộng, trong khi Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực hiện nên chúng ta đã đề xuất với phía Mỹ cử đoàn cán bộ sang tận nơi để vừa trực tiếp làm việc kỹ thuật vừa thực hiện đàm phán.
Trong quá trình đàm phán, phía Mỹ đưa ra nhiều yêu cầu, có thể có hiệu quả về kỹ thuật nhưng lại gây bất lợi cho hàng hóa của mình. Đơn cử phía bạn đề nghị trái thanh long tươi phải được cắt phần tai lá vì đây là nơi rệp cư trú. Nhưng quả thanh long nếu cắt phần này sẽ nhanh bị hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng quả không thể xuất khẩu được.
Nếu những người đàm phán không nắm vững chuyên môn, không bám sát thực tế sẽ không đưa ra được các giải thích và căn cứ khoa học thuyết phục, khi đó sản phẩm sẽ bị áp đặt những biện pháp không phù hợp.
Ngoài ra, ban đầu phía Mỹ yêu cầu phải đánh giá nguy cơ và có biện pháp xử lý phù hợp gồm hơn 60 loài sinh vật gây hại, tuy nhiên sau quá trình đàm phán căng não, cung cấp tài liệu kỹ thuật danh mục này đã giảm xuống chỉ còn 6 loài.
Sau khi vượt qua bước này, Bộ Nông nghiệp Mỹ đăng tải thông tin lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử về việc chấp thuận cho trái thanh long Việt vào thị trường này.
“Thời khắc đó, mình thấy đã thành công được 80-90%. Rất hồi hộp và hàng ngày, đoàn đàm phán đều theo dõi xem người dân, doanh nghiệp Mỹ có ý kiến gì không để chuẩn bị các phương án đàm phán tiếp theo.
Vào tháng 8/2008, phía Mỹ thông báo mở cửa chính thức cho thanh long Việt, mở ra một bước tiến mới cho nông sản nước ta. Đây cũng là loại trái cây đầu tiên của nước ta xuất sang Mỹ thời điểm đó”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ.
Sau khi được cấp “thị thực”, mới đầu những lô hàng chỉ có khoảng vài trăm cân sang Mỹ, bằng máy bay, nhưng đến nay, hàng trăm, nghìn tấn thanh long đã vượt biển chinh phục thị trường cao cấp nhất thế giới. Cú đầu trót lọt, tiếp đà cho những mặt hàng khác cũng được đàm phán dễ dàng hơn, theo hướng rút gọn.
Riêng thị trường Mỹ, ngoài thanh long, hiện nay nông sản Việt còn có 7 loại được phép xuất khẩu, gồm: Xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa và sắp tới đây là chanh leo.
“Khi đã vào được thị trường Mỹ, chúng ta không ngại bất kỳ thị trường nào. Hiện các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Úc, EU…có nhu cầu về sản phẩm gì, chúng ta đều có thể đáp ứng được”, Thứ trưởng Trung nói.
Sản xuất theo nhu cầu thị trường
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD (bằng cả năm ngoái). Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, thành quả này nhờ những năm qua, Việt Nam đã sản xuất được theo định hướng thị trường.
Trong 10 năm gần đây, ngành nông nghiệp đã hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều sân chơi, diễn đàn quốc tế. Các doanh nghiệp của Việt Nam đã chủ động nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường khác nhau, nhờ đó các định hướng, kế hoạch sản xuất theo tín hiệu thị trường đã được hình thành và phát triển bài bản, hiệu quả hơn.
Với quy trình sản xuất liên tục được nâng cấp, nhiều nước khó tính còn mang cả giống cây sang tận đất của nông dân Việt Nam đặt sản xuất. Như Nhật Bản mang cả giống rau và khoai lang sang tận vùng sâu, vùng xa ở Lâm Đồng đặt bà con trồng ra sản phẩm như mong muốn.
Tuy nhiên, như Thứ trưởng Trung trăn trở: Mở cửa được thị trường vốn đã khó, nhưng duy trì và mở rộng thị phần càng khó hơn nhiều. Có thể lấy mặt hàng sầu riêng gần đây làm một ví dụ điển hình. Thời gian đầu, sự phát triển nóng đã đẩy ngành hàng này có thời điểm bị nước bạn “tuýt còi”.
“Có những lô hàng khi đến tay đối tác, họ quay video gửi về cảnh báo sầu riêng còn xanh, sống, sượng, non trắng. Lúc đó, chúng tôi cũng rất xấu hổ”, ông Trung kể. Nếu vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng này, người tiêu dùng nước bạn sẽ quay lưng lại với nông sản Việt Nam, và về lâu dài, nguy cơ bị dừng xuất khẩu vẫn có thể xảy ra.
Với mặt hàng sầu riêng, cuộc cạnh tranh hiện rất nóng. Các nước xung quanh như Malaysia, Campuchia, Indonesia bắt đầu trồng và đưa vào thị trường Trung Quốc , trong khi Thái Lan cũng không ngừng nâng cao chất lượng.