Là một trong những doanh nghiệp bán lẻ trang sức, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã, đang và còn phải chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Trong đó, KQKD quý 1/2020 bước đầu chịu ảnh hưởng bởi dịch, ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 5.001 tỷ và 408 tỷ giảm gần 5% so với cùng kỳ.
Trong đó, đặc biệt mảng bán sỉ sụt giảm 17%, mảng bán lẻ cũng điều chỉnh chỉ còn tăng trưởng 8%. Ngược lại, doanh số vàng miếng tăng trưởng mạnh (tăng đến 75%) do tâm lý tích trữ và đầu cơ tăng cao trong bối cảnh dịch và giá vàng biến động mạnh trong kỳ.
Doanh thu quý 2/2020 dự bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Mặc dù kỳ vọng dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam trong quý 2/2020, trong báo cáo phân tích mới đây Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tốc độ hồi phục sức mua của thị trường trang sức sẽ bị giới hạn do thu nhập người dân trong ngắn hạn còn bị ảnh hưởng, đặc biệt tại khu vực dịch vụ.
Theo đó, doanh thu PNJ trong kỳ sẽ bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng do ảnh hưởng từ giai đoạn cách ly xã hội trong tháng 4 và tác động của dịch đến tâm lý và thu nhập của người dân. Sau đó, tình hình kinh doanh sẽ dần cải thiện trong quý 3/2020 và đặc biệt quý 4/2020 được hỗ trợ bởi các sự kiện lễ cuối năm.
Với doanh thu dự báo bị ảnh hưởng đáng kể, lợi nhuận của PNJ quý tiếp theo sẽ gặp khá nhiều thách thức. Tuy nhiên các chính sách tiết giảm các loại chi phí nhân viên và mặt bằng (chiếm 66% tổng chi phí bán hàng trong 2019) cũng như chi phí khác bao gồm quảng cáo tiếp thị (11% CPBH) kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực lên lợi nhuận trong kỳ. Theo Công ty, trong trường hợp doanh thu bán lẻ giảm 75% thì PNJ sẽ đạt mức hòa vốn và ghi nhận khoảng mức lỗ 60 tỷ/tháng nếu 100% cửa hàng thuộc hệ thống đóng cửa.
Dự báo cho cả năm 2020, BVSC nhận định doanh thu bán lẻ PNJ sẽ chịu tác động không chỉ trong thời gian phòng chống dịch tại Việt Nam mà dự kiến sẽ còn giới hạn tốc độ hồi phục sức mua của thị trường trang sức do ảnh hưởng đến thu nhập người dân.
Trung dài hạn, Covid-19 đem lại cơ hội củng cố và nâng cao vị thế cho PNJ
Mặc dù vậy, dịch bệnh cũng tạo ra cơ hội nhiều hơn cho doanh nghiệp trong trung hạn và dài hạn nếu biết nắm bắt. Cụ thể, hậu Covid-19, vị thế của PNJ trong mảng trang sức tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ được củng cố và nâng cao hơn khi:
(1) cửa hàng nhỏ lẻ cũng như chuỗi bán lẻ với năng lực kém nhiều khả năng rời bỏ thị trường, để lại khoảng trống để PNJ có thể tận dụng phát triển;
(2) các thương hiệu bán lẻ lớn toàn cầu, trước đó được cho rằng đang theo dõi và có ý định tham gia vào thị trường Việt Nam, có lẽ cũng cần thêm thời gian để phục hồi và củng cố các thị trường truyền thống, qua đó giúp PNJ có thêm thời gian củng cố hơn và phát triển hơn nữa năng lực cạnh tranh trong thị trường trang sức đầy tiềm năng của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Sang năm 2021, BVSC kỳ vọng doanh thu bán lẻ của PNJ được kỳ vọng hồi phục tích cực nhờ vào (1) sức mua tiếp tục được cải thiện từ mức thấp trong 2020 nhờ thu nhập người dân phục hồi, (2) tiềm năng gia tăng thị phần khi các thương hiệu/cửa hàng trang sức khác gặp khó khăn sau dịch nhờ việc hợp lý hóa danh mục sản phẩm phù hợp, nâng cao năng lực chế tác của PNJ trong giai đoạn dịch bệnh.
Doanh thu bán lẻ trang sức dự phóng tăng 22% với số lượng cửa hàng mở mới giả định là 30.
Mảng sỉ kỳ vọng phục hồi chậm hơn do thị trường chung, đặc biệt nhu cầu từ nhóm thu nhập trung bình thấp sẽ hạn chế hơn so với tập khách hàng trung bình cao của PNJ cũng như việc xu hướng chuyển dịch sang sản phẩm trang sức có thương hiệu và chất lượng đảm bảo dự báo sẽ tiếp diễn.
Ghi nhận tại buổi gặp mặt ngày 9/4, ban lãnh đạo BVSC chia sẻ kế hoạch hành động gồm:
+ Thúc đẩy kênh online và các cửa hàng ngoài vùng dịch vẫn còn hoạt động với việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm cho phù hợp, ưu tiên các sản phẩm mang hàm lượng cao, phù hợp với tâm lý tích trữ trong giai đoạn dịch.
+ Cắt giảm chi phí: (1) chi phí mặt bằng sẽ đàm phán giảm giá thuê bình quân khoảng 15-20% trong 3-6 tháng, theo chia sẻ hiện khoảng 40% đối tác đã chấp nhận điều chỉnh giá thuê và (2) chi phí lương của ban điều hành giảm 50% lương cấp quản lý và nhân viên tạm thời áp dụng 2 ngày làm việc không lương/tuần.
+ Tiến hành cơ cấu hàng tồn kho, ưu tiên sản xuất các sản phẩm trang sức mang hàm lượng vàng cao với thanh khoản tốt hơn, ngừng nhập hàng mới. Với đặc trưng của ngành nghề và lợi thế sở hữu chuỗi sản xuất hoàn chỉnh, giá trị hàng tồn kho của PNJ có tính thanh khoản cao, ít chịu rủi ro hàng tồn lỗi mốt.
+ Cơ cấu lại các khoản vay và ngừng các dự án đầu tư mới, tăng số dư tiền mặt -> tối ưu hóa dòng tiền.
+ Tận dụng giai đoạn thấp điểm của HĐKD do dịch để tiến hành các hoạt động đào tạo, phát triển và hợp lý hóa sản phẩm và chiến lược mới chuẩn bị cho giai đoạn hồi phục sau dịch. Cụ thể, khối sản xuất sẽ dành thời gian nghiên cứu sản xuất các sản phẩm trang sức cao cấp thường phải nhập khẩu trước đây, qua đó giảm tỷ lệ nhập khẩu đáng kể và tiết giảm chi phí. Ngoài ra, các sản phẩm trang sức bạc với chi phí hợp lý được kỳ vọng sẽ thu hút nhu cầu mua sắm trở lại của nhóm khách hàng trẻ.
+ Tranh thủ cơ hội để cơ cấu lại hệ thống cửa hàng, tiếp cận các mặt bằng bán lẻ mới có triển vọng tốt bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi dịch Covid-19, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng trong trung và dài hạn.