Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google chỉ ra rằng người tiêu dùng chuyển sang các dịch vụ kỹ thuật số. Trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới chiếm 41% tại Việt Nam (cao hơn so với bình quân khu vực Đông Nam Á). Ngoài ra, 94% số người dùng mới này định tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch.
Nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á đã tăng trưởng 5% trong năm 2020 lên 105 tỷ USD bất chấp những khó khăn từ Covid-19 gây ra. Google ước tính rằng nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể tăng gần gấp ba lần lên 309 tỷ USD (tương đương với tốc độ CAGR 24% giai đoạn2020-2025), được thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh mẽ trong thương mại điện tử (+23% CAGR), truyền thông trực tuyến (+15% CAGR), du lịch trực tuyến (+33% CAGR) và tiêu dùng kỹ thuật số của phương tiện giao thông cũng như thực phẩm (+30% CAGR).
Mặt khác, drước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người Việt Nam nói riêng thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập Internet (cho mục đích cá nhân). Trong khoảng thời gian áp dụng giãn cách xã hội trên diện rộng, con số này đã tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày. Con số này kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao 3,5 giờ ngày/giờ hậu đại dịch.
Trung bình trên toàn khu vực Đông Nam Á, 36% tổng số người tiêu dùng dịch vụ kỹ thuật số là mới do Covid-19
Theo quan điểm của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong báo cáo mới đây, những thay đổi này trong hành vi của khách hàng sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu đối với các sản phẩm ICT, chẳng hạn như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng cũng như hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Điều này có lợi cho các nhà phân phối ICT.
Sự thiếu hụt chip toàn đầu thách thức nhà sản xuất, tuy nhiên đem lại cơ hội cho bên phân phối
Cụ thể, về thị trường laptop Việt Nam, nhu cầu mạnh mẽ thúc đẩy bởi nhu cầu làm việc và học tập online. Theo quan sát ở cả các nhà phân phối và bán lẻ, doanh thu laptop tại Việt Nam đã tăng trong 3 năm qua, được thúc đẩy bởi: (1) Môi trường kinh doanh sôi động trước Covid-19; (2) Nỗ lực số hóa ngày càng tăng; và (3) Những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, như chuyển sang làm việc và học tập trực tuyến.
Thông thường, quý 3 là mùa cao điểm của máy tính xách tay tại Việt Nam, chủ yếu do mùa tựu trường. Với tình hình Covid-19 hiện tại trên toàn quốc, học sinh được yêu cầu học trực tuyến, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối học kỳ đầu tiên trong năm nay. Nhu cầu về máy tính xách tay theo đó đang bùng nổ.
Cả Thế giới Di động (MWG) và FPT Retail (FRT) đều chia sẻ rằng nhu cầu về laptop trong tháng 8 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ từ phía nhà cung cấp, Acer chia sẻ rằng doanh thu Tháng 8 của hãng đã tăng gấp đôi, trong khi dự kiến doanh thu tháng 9 sẽ tăng gấp 2-3 lần.
Đặc biệt, trước tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới, các nhà sản xuất laptop đang chuyển sang tập trung vào các sản phẩm cao cấp hơn, có giá bán cao hơn, nhằm thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận.
BVSC nhấn mạnh các nhà sản xuất laptop hiện đang tăng cường hơn nữa nỗ lực của họ trong chiến lược cao cấp hóa sản phẩm, thực sự đã bắt đầu trước Cpvid-19. Doanh thu laptop vẫn tăng mạnh nhưng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại trong quý 2/2021, phần lớn bị ảnh hưởng bởi nguồn cung thu hẹp.
Động lực chính cho doanh thu mạnh mẽ trong quý 2/2021 là mở rộng ASP, BVSC kỳ vọng có thể sẽ duy trì trong tương lai. Trên thực tế, MWG và FRT đều đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm laptop phân khúc giá thấp, do đó, khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm giá cao hơn.
Mặc dù gặp khó khăn về nguồn cung, BVSC tin rằng các nhà phân phối laptop có vị thế tốt để hưởng lợi trực tiếp, vì (1) Nhu cầu bùng nổ sẽ giúp kiềm chế chi phí bán hàng (như chi phí chiết khấu, khuyến mại); và (2) Chiến lược cao cấp của nhà sản xuất mở rộng ASP, hỗ trợ cả tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận.
Các doanh nghiệp cũng cho thấy nỗ lực đẩy mạnh số hóa các kênh bán hàng và hoạt động của mình để bắt kịp xu hướng người tiêu dùng. Trước triển vọng mạnh mẽ đối với laptop và tablet ở Việt Nam, nhờ gia tăng xu hướng làm việc tại nhà, trong khi học sinh có thể phải học trực tuyến cho đến cuối học kỳ đầu tiên.