Vào sáng 4/1, tại kỳ họp Quốc hội bất thường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dự thảo, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô khoảng gần 350 nghìn tỷ đồng, dự kiến thực hiện trong năm 2022-2023.
Về tác động của gói kích thích kinh tế, theo báo cáo mới đây của BVSC về tình hình vĩ mô và thị trường năm 2022, các chuyên gia phân tích dự đoán, chế biến chế tạo, xây dựng và bán lẻ sẽ là ba ngành có tiềm năng phát triển nhất.
Quay lại thời điểm 2008-2009, khi đó, kinh tế Việt Nam cũng nhận được gói kích thích lớn nhất vào thời điểm đó. Kết quả, gói kích thích này giúp đất nước vượt qua khủng hoảng và trở thành một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương. Cụ thể, GDP năm 2008 và 2009 lần lượt đạt 5,7% và 5,4%.
Nếu nhìn vào các nhóm ngành tăng trưởng nhờ có gói kích thích kinh tế, có thể thấy, xây dựng và bán lẻ là nhóm ngành có mức tăng trưởng cao so với các lĩnh vực còn lại. Theo đó, ngành bán lẻ đã tăng từ 0,82% vào năm 2008 lên 1,02% vào năm 2009. Tương tự với ngành xây dựng, nếu năm 2008, ngành chứng kiến mức tăng trưởng âm 0,02%, thì sang đến năm 2009, ngành này đã bật tăng lên 0,69%.
Sang đến năm 2021, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý 3/2021. Theo đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo và bán lẻ chịu mức tăng trưởng âm lần lượt -0,81% và -1,59%. Đến quý 4/2021 sau khi Nghị quyết 128 được áp dụng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước quay trở lại bình thường, hai ngành này đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực hơn so với quý 3, lần lượt đạt 1,99% và 0,45%.
Các chuyên gia của BVSC phân tích, cầu tiêu dùng năm 2022 sẽ phục hồi mạnh từ nền thấp. Theo đó, sự hồi phục của cầu tiêu dùng được kỳ vọng tới từ tất cả các mảng, bao gồm bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành.
"Việc Việt Nam sớm đạt miễn dịch cộng đồng từ cuối năm 2021, triển khai hộ chiếu vaccine và mở cửa đón khách quốc tế sẽ tạo động lực hồi phục mạnh mẽ cho các mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch", báo cáo nhấn mạnh.
Với lĩnh vực chế biến chế tạo, báo cáo nhận định, với việc từng bước thích nghi an toàn với Covid-19, ngành công nghiệp dần hồi phục lại các hoạt động sản xuất, kết nối lại với chuỗi cung ứng của thế giới và kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022.
Ngoài ra, báo cáo cho biết, giải ngân vốn đầu tư công được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng mạnh trở lại và đóng vai trò là yếu tố lan tỏa cho đà hồi phục của nền kinh tế, trong đó có ngành xây dựng.
Nhìn chung, tăng trưởng trong năm 2022 sẽ được hỗ trợ từ cả 3 động lực chính, gồm xuất khẩu nhờ cầu từ các thị trường Mỹ, EU; Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ đầu tư tư nhân; và sức cầu trong nước tăng trở lại trong điều kiện kinh tế mở cửa.
Lạm phát chịu áp lực tăng cao trong nửa đầu 2022 do nền thấp của nhiều mặt hàng như xăng dầu, nguyên vật liệu thời điểm đầu năm 2021. Nhưng lạm phát sẽ giảm dần vào nửa sau năm 2022 khi so với nền giá cao của cuối năm 2021. Trong trung hạn, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh sẽ tạo áp lực nhất định tới lạm phát.