Theo báo cáo ngành thép vừa được CTCK Bảo Việt (BVSC) công bố, đơn vị này nêu ra 3 lý do cho luận điểm tác động của các chính sách hạn chế nhập khẩu đối với doanh nghiệp thép Việt Nam là không lớn.
Thứ nhất, BVSC cho rằng tỷ trọng thép xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là khá thấp. Sản lượng thép của Việt Nam chiếm 2% tỷ trọng lượng nhập khẩu vào Mỹ, tương đương 679.092 tấn.
Về phía Việt Nam, thép xuất khẩu chiếm tỷ trọng 18% trong tổng sản lượng, trong đó xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 2%. Do đó, việc Mỹ bảo hộ ngành thép sẽ không tác động nhiều tới Việt Nam.
Thứ hai, theo BVSC lượng thép sụt giảm từ các nước xuất khẩu khác vào Mỹ sẽ ít có khả năng chuyển hướng sang Việt Nam.
Hiện nay, Trung Quốc là đối thủ đáng lo ngại nhất bởi quốc gia này là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, có vị trí giáp ranh với Việt Nam. Thép nhập khẩu vào Việt Nam có 36% lượng xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ sau khi lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh đột biến do dư thừa (giai đoạn 2014 - 2015), Mỹ đã liên tục áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép Trung Quốc.
Tính đến nay Mỹ đang áp dụng 28 biện pháp thuế quan và phi thuế quan đối với nhiều loại sản phẩm thép Trung Quốc. Do đó, sản lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ đã sụt giảm mạnh từ 2014. Năm 2017, sản lượng thép Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ ở mức 740.126 tấn, chiếm 2% sản lượng nhập khẩu thép của Mỹ và 1% sản lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc.
Như vậy, quan điểm của BVSC, việc thép Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ tìm cách chuyển sang các nước khác, trong đó có Việt Nam là gần như không đáng lo ngại.
Với các nước khác, thị trường nhập khẩu thép chính của Việt Nam thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là những nước xuất khẩu thép chính vào Mỹ, do đó cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ việc hạn chế nhập khẩu của chính quyền ông Donald Trump. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cũng chỉ chiếm 5% - 12% trong cơ cấu xuất khẩu của các quốc gia trên, như vậy tác động là có nhưng không trọng yếu.
Ngoài ra, thép của các nước này xuất sang Việt Nam chủ yếu là sản phẩm trong nước chưa có khả năng sản xuất hoặc không đủ cung cấp (thép hợp kim, thép tấm lá, thép cuộn cán nóng…), trong khi sản phẩm chính của các doanh nghiệp thép Việt Nam là tôn mạ và thép xây dựng vẫn đang được bảo vệ khá vững chắc bởi thuế nhập khẩu và thuế tự vệ thương mại. Do đó, nếu chiến tranh thương mại xảy ra thì cạnh tranh với thép nhập khẩu không phải là vấn đề đáng lo ngại với các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Thứ ba, BVSC nhận định, tác động của chiến tranh thương mại tới giá thép và các nguyên vật liệu sản xuất thép là không nhiều. Mỹ là quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất trên thế giới, tuy nhiên sản lượng nhập khẩu của Mỹ cũng chỉ chiếm 8% tổng thương mại thép toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ sẽ vẫn buộc phải nhập khẩu thép khi sản xuất nội địa trong ngắn hạn không thể đáp ứng được nhu cầu.
Trước mắt, giá thép tại thị trường Mỹ sẽ tăng lên do tác động của thuế nhập khẩu và sản lượng sản xuất của các nước xuất khẩu thép chính vào Mỹ sẽ sụt giảm.
Ở chiều ngược lại, BVSC lưu ý đến khả năng, việc Chính quyền Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ với ngành thép có thể dấy lên các hành động trả đũa của các quốc gia khác. Nếu hành động trả đũa này chỉ nhằm vào Mỹ thì sẽ không gây ảnh hưởng gì đến ngành thép Việt Nam, tuy nhiên nếu trên một quy mô rộng hơn là bảo hộ sản xuất và hạn chế nhập khẩu từ tất cả các quốc gia thì có thể ảnh hưởng tới Việt Nam.
Trong các sản phẩm thép chính của Việt Nam, thì tỷ trọng xuất khẩu ống thép và thép xây dựng chỉ ở mức 11% -12%, trong khi tôn mạ là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với tỷ trọng xuất khẩu lên đến 47% sản lượng tiêu thụ. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như HSG và NKG sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất nếu hàng rào bảo hộ được nâng cao, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng như HPG, TIS, POM sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn từ chiến tranh thương mại.