Ghi nhận bởi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), mức tiêu thụ năng lượng tăng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt tại khu vực châu Á. Riêng Việt Nam, dự báo từ nay cho đến năm 2030, để đáp ứng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ngành năng lượng cần đạt được tốc độ tăng trưởng 10%, tương đương 500 tỷ kWh điện thương phẩm.
Kết quả, trong bối cảnh nguồn điện dự phòng hạn hẹp, năng lượng mặt trời trở thành xu hướng đầu tư mới, đặc biệt làn sóng chạy đua có phần rầm rộ hơn cả nhằm được hưởng giá ưu đãi 9,35 cent/kWh (suốt 20 năm nếu vận hành trước 30/6/2019).
Điện mặt trời chững lại
Ghi nhận bởi Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tại báo cáo ngành điện mới đây, tính đến cuối năm 2018, Việt Nam có một số nhà máy năng lượng mặt trời với công suất chưa tới 100MW. Tuy nhiên bước sang nửa đầu năm 2019, điện mặt trời đã có bước nhảy vọt với tổng công suất lắp máy lên tới 4.464 MW vào cuối tháng 6/2019 và dự kiến sẽ tăng lên 5.100 MW vào cuối năm.
Năng lượng mặt trời có bước tăng nhảy vọt là do các nhà máy đều đẩy nhanh tiến độ để kịp hòa lưới trước 30/6/2019, là thời điểm cuối cùng được hưởng cơ chế ưu đãi theo Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ (ngoại trừ Bình Thuận và Ninh Thuận được kéo dài thêm thời gian ưu đãi đến 30/6/2020).
Hiện tại, Chính phủ đã ban hành dự thảo giá điện mặt trời cho những năm tới, theo đó giá điện mặt trời giảm đáng kể so với ưu đãi trước đó dẫn tới việc đầu tư vào năng lượng mặt trời có thể sẽ chậm lại, BVSC đưa nhận xét.
Điểm lại, cần thiết để phát triển song để hoàn thiện một dự án điện mặt trời đòi hỏi rất nhiều từ các nhà đầu tư. Từng chia sẻ về những thử thách nổi bật, đại diện một công ty cũng phát triển mảng năng lượng mặt trời cho biết, khó khăn thứ nhất phải kể đến là quỹ đất phải đủ rộng, thứ hai là năng lực tài chính phải đủ đáp ứng, thứ ba liên quan đến năng lực kỹ thuật và cuối cùng, khó khăn nhất chính là nhận được sự đồng thuận từ chính quyền cũng như người dân địa phương (vì việc đầu tư ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến khu vực nơi phát điện).
Giá điện dự kiến tiếp tục ở mức cao đến cuối năm 2019
Trở lại với ngành điện Việt Nam, thời gian gần đây người dân xôn xao việc tăng giá điện, và dự kiến giá điện sẽ tiếp tục ở mức cao trong nửa cuối năm 2019 do nhu cầu tăng cao trong khi thủy văn không thuận lợi cho thủy điện, BVSC đưa ra nhận định.
Theo thống kê, sản lượng điện thương phẩm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng 9-12% từ năm 2014 trở lại đây, đồng thời được dự báo sẽ tăng bình quân 10% đến năm 2020. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng công suất lắp đặt toàn hệ thống đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện.
Năm 2019, công suất lắp đặt dự kiến sẽ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, nhưng phần lớn công suất tăng lên đến từ điện mặt trời và điện gió là những nguồn năng lượng có tỷ lệ sản lượng thương phẩm thấp trên công suất lắp đặt hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện (cụ thể điện mặt trời sản xuất được khoảng 2 triệu kWh/1MW, điện gió sản xuất được khoảng 2,8 triệu kWh/1MW, nhiệt điện sản xuất được khoảng 6 - 7 triệu kWh/1MW).
Nếu hiệu chỉnh công suất đặt theo khả năng phát điện thì công suất lắp đặt 2019 chỉ tăng khoảng 7,8%, thấp hơn so với mức tăng của nhu cầu điện là 10,4%. Do đó khả năng EVN sẽ cần phải tăng cường huy động từ các nhà máy chạy dầu có giá thành rất cao và tăng cường nhập khẩu điện nhưng vẫn có thể xây ra nguy cơ thiếu điện nếu xuất hiện sự cố ở một số nhà máy có công suất lớn.
Nguồn cung điện tăng trưởng chậm kéo dài trong khi nhu cầu tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng đều đặn khoảng 10%/năm đã gây áp lực lên khả năng cung ứng điện của hệ thống dẫn tới EVN cần đẩy mạnh huy động điện từ các nhà máy nhiệt điện và mức giá trên thị trường cạnh tranh tăng cao. Giá điện trên thị trường phát điện cạnh gần như giao dịch ở mức trần trong suốt mùa khô. Mặc dù giá điện có dấu hiệu hạ nhiệt khi vào mùa mưa nhưng vẫn cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ.