BVSC: Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn hậu tăng trưởng, pha suy giảm sẽ chính thức bắt đầu từ quý 2/2019

06/12/2018 13:42
BVSC cho rằng đã có những tín hiệu cảnh báo sớm về rủi ro đảo chiều của kinh tế Mỹ từ (1) tỷ lệ thất nghiệp; (2) chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Nhiều khả năng pha suy giảm sẽ chính thức bắt đầu từ quý 2/2019 hoặc muộn nhất vào đầu năm 2020.

TTCK Mỹ phiên ngày 04/12/2018 đã sụt giảm mạnh hơn 3%, xóa đi toàn bộ thành quả của tuần tăng điểm trước đó nhờ những tín hiệu lạc quan trong bài phát biểu mới nhất của Chủ tịch FED cũng như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tạm hòa hoãn 90 ngày sau Hội nghị G20. Đà lao dốc của TTCK Mỹ trong phiên 04/12/2018 chủ yếu xuất phát từ lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ sắp bước vào pha suy giảm trong chu kỳ kinh tế sau khi mức chênh lệch giữa lợi suất giữa TPCP Mỹ kỳ hạn 5 năm và 2 năm lần đầu tiên xuống dưới mức 0% kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Vậy diễn biến này có thật sự đáng lo ngại và nền kinh tế Mỹ còn cách pha suy giảm bao lâu? CTCK Bảo Việt (BVSC) có một số nhận định như sau:

Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn hậu tăng trưởng

Về lý thuyết, một chu kỳ kinh tế (business cycle) điển hình thường có hai pha chính là hồi phục và suy thoái. Mỗi pha này có thể chia nhỏ thành 3 giai đoạn. Theo đó, sẽ có tổng cộng 6 giai đoạn nhỏ trong một chu kỳ kinh tế bao gồm: giai đoạn tiền tăng trưởng (early expansion), giai đoạn tăng trưởng mạnh nhất (peak expansion), giai đoạn hậu tăng trưởng (late expansion), giai đoạn tiền suy thoái (early contraction), giai đoạn suy giảm mạnh nhất (peak contraction) và giai đoạn hậu suy thoái (late contraction). Chu kỳ kinh tế là yếu tố không thể tránh được với bất kỳ nền kinh tế nào. Việc của Chính phủ và NHTW các nước là cố gắng kéo dài pha tăng trưởng trong mỗi chu kỳ càng lâu càng tốt và rút ngắn pha suy giảm cũng như hạn chế tối đa kịch bản "hạ cánh cứng" trong mỗi chu kỳ.

Ứng với các đặc điểm vĩ mô và phản ứng chính sách của Mỹ hiện nay, BVSC cho rằng kinh tế Mỹ đang ở trong giai đoạn hậu tăng trưởng. BVSC dự báo pha suy giảm của kinh tế Mỹ sẽ chính thức bắt đầu kể từ cuối quý II/2019 và muộn nhất là đầu năm 2020.

Kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm" thay vì "hạ cánh cứng"

Về khung thời gian, không có một quy luật hay khoảng thời gian nào chính xác cho pha suy giảm trong mỗi chu kỳ kinh tế vì nó phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các nhân tố gây ra suy giảm. Tuy nhiên, xét trong 11 chu kỳ kinh tế gần nhất của kinh tế Mỹ thì về cơ bản có hai điểm nổi bật. Thứ nhất, là khoảng thời gian của pha suy giảm luôn thấp hơn so với pha tăng trưởng. Thứ hai, là trong khoảng hơn 60 năm trở lại đây (1945-2018), thời gian trung bình của pha suy giảm được rút ngắn lại đáng kể (trung bình khoảng 11 tháng). Điều này xuất phát từ việc các lý thuyết kinh tế hiện đại đã cung cấp thêm nhiều công cụ cho Chính phủ và NHTW các nước trong việc điều hành kinh tế nhằm kéo dài thời gian tăng trưởng và hạn chế hết mức có thể những tác động tiêu cực của pha suy thoái hay còn gọi là nỗ lực hạ cánh mềm (soft landing).

Với chu kỳ kinh tế hiện tại, BVSC cho rằng kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ "hạ cánh mềm" thay vì "hạ cánh cứng". Lý do là kinh tế Mỹ trong thời gian qua đã có mức tăng trưởng GDP vượt tiềm năng nhờ các chính sách nới lỏng của FED (hạ lãi suất, bơm tiền qua 3 gói QE) cũng như kích thích tài khóa của chính quyền Trump (giảm thuế, tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng). Theo một ước tính, chính sách tài khóa đã đóng góp 0,75% vào mức tăng trưởng 3,5% của kinh tế Mỹ hiện tại. Khi tăng trưởng vượt lên trên mức tiềm năng nhờ các chính sách kích thích thì nền kinh tế Mỹ sẽ sớm phải giảm tốc khi các chính sách kích thích ngắn hạn không còn nữa (năm 2019).

Trên cơ sở đó, BVSC thiên về khả năng pha suy giảm của kinh tế Mỹ sắp tới phần nhiều mang yếu tố chu kỳ hơn là do một yếu tố có rủi ro lớn kích hoạt như các tài sản "độc hại" trong cuộc khủng hoảng 2008 hay bong bóng dotcom năm 2000.

Những tín hiệu nào cảnh báo sớm về rủi ro đảo chiều của kinh tế Mỹ

Thứ nhất là tỷ lệ thất nghiệp. Theo thống kê, kể từ năm 1948 cho đến nay, mỗi khi tỷ lệ thất nghiệp giảm và chạm đáy thì ngay sau đó nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào pha suy thoái. Khi tỷ lệ thất nghiệp chạm đáy, hàm ý nền kinh tế đã ở trạng thái toàn dụng nhân công. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong mở rộng sản xuất do khó tiếp cận nguồn nhân lực, chi phí nhân công tăng cao từ đó tạo áp lực lên chỉ số lạm phát. Tăng trưởng của các doanh nghiệp chậm lại sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 3,7% (tháng 11/2018) - mức gần thấp nhất trong lịch sử, chỉ sau giai đoạn 1951-1953 với mức trung bình 3% và giai đoạn 1968-1969 với mức trung bình 3,5%. Không loại trừ khả năng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tiếp tục giảm xuống trong một vài quý tới nhưng chúng tôi cho rằng đà giảm của chỉ số này có thể sẽ chậm lại và sớm kết thúc. Do đó, nếu trong các tháng tới, tỷ lệ thất nghiệp đảo chiều tăng trở lại, một đợt suy giảm của kinh tế Mỹ rất có thể đang đến rất gần.

BVSC: Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn hậu tăng trưởng, pha suy giảm sẽ chính thức bắt đầu từ quý 2/2019 - Ảnh 1.

Thứ hai là chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Rủi ro thường xuất hiện khi lãi suất TPCP kỳ hạn ngắn có xu hướng tăng nhanh hơn, thậm chí vượt cả lãi suất TPCP kỳ hạn dài. Diễn biến này thể hiện sự tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế khiến nhu cầu về vốn gia tăng mạnh trong ngắn hạn.

BVSC: Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn hậu tăng trưởng, pha suy giảm sẽ chính thức bắt đầu từ quý 2/2019 - Ảnh 2.

Theo quan sát của BVSC, kể từ năm 1980 trở lại đây, cứ mỗi khi mức chênh lệch này trải qua giai đoạn giảm kéo dài và về quanh mức 0% (thậm chí ở mức âm) thì một cuộc suy thoái thường diễn ra ngay sau đó (năm 1981, 1990, 2007).

Hiện tại, trong phiên ngày 04/12/2018, lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ giữa kỳ hạn 5 năm và 2 năm giảm xuống dưới mức 0%.

Tuy nhiên, chênh lệch lợi suất giữa kỳ hạn 10 năm và 2 năm (kỳ hạn phổ biến được tham chiếu để dự báo khủng hoảng) vẫn đang duy trì trên mức 0%. Mặc dù vậy, xu hướng đường lợi suất đang chuyển từ trạng thái "phẳng" dần (flattening yield curve) sang trạng thái "đảo ngược" (inverted yield curve) kể từ tháng 2/2018 đến nay là khá rõ ràng. Do đó, việc chênh lệch lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm và 2 năm giảm về dưới 0% chỉ còn là vấn đề thời gian.

BVSC: Kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn hậu tăng trưởng, pha suy giảm sẽ chính thức bắt đầu từ quý 2/2019 - Ảnh 3.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý là luôn có độ trễ giữa việc đường cong lợi suất TPCP Mỹ chuyển sang dạng đảo ngược và pha suy giảm của kinh tế sau đó. Như trước cuộc khủng hoảng 2008 thì đường cong lợi suất đảo ngược cũng duy trì khoảng 4 quý trước khi cuộc khủng hoảng chính thức diễn ra, hay năm 2000 là 3 quý. 

Do vậy, việc chênh lệch lợi suất kỳ hạn 5 năm và 2 năm chuyển sang trạng thái âm trong phiên ngày 04/12/2018 nên được xem là tín hiệu cảnh báo sớm hơn là lo ngại đà suy giảm sẽ diễn ra ngay lập tức. Dẫu vậy, với đặc tính đi trước nền kinh tế thực, TTCK Mỹ có lý do để lo lắng khi pha suy giảm của kinh tế Mỹ không còn quá xa.

Tin mới

Mở bán vàng nhẫn không giới hạn, cửa hàng vẫn bất ngờ vắng khách
10 giờ trước
Giá vàng nhẫn sáng nay giảm mạnh, các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) mở bán không giới hạn nhưng không khí giao dịch lại bất ngờ trầm lắng.
Campuchia vừa đạt dấu mốc quan trọng, một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh
9 giờ trước
Lãnh đạo Campuchia gọi đây là “sự kiện trọng đại”.
Giá vàng tăng sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế hàng Trung Quốc
9 giờ trước
Hôm nay (26/11), giá vàng ổn định sau khi giảm 3% trong phiên trước. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế tất cả hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Mặt hàng tỉ USD của Việt Nam bất ngờ có kỳ tích mới: Sở hữu giá bán đắt đỏ nhất thế giới, gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ săn đón
8 giờ trước
Giá gạo Việt Nam duy trì mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn.
iPhone 17 Pro bất ngờ lộ diện với thiết kế mới hoàn toàn?
7 giờ trước
Theo The Information, iPhone 17 Pro và iPhone 17 Pro Max sẽ có thiết kế mới, đánh dấu bước ngoặt trong dòng sản phẩm cao cấp của Apple.

Tin cùng chuyên mục

Mì tôm thanh long nhận vốn triệu USD, nhà sản xuất muốn thu 2.000 tỷ đồng
22/10/2024 09:28
Mì thanh long đã tiêu thụ hơn 3 triệu gói mì sau chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, các nhà sáng lập tham vọng thu 2.000 tỷ đồng năm 2026.
Nữ đại gia đứng sau chuỗi cafe Katinat sở hữu khối tài sản "khủng" cỡ nào?
13/09/2024 05:42
Theo tìm hiểu của PV, thành công của chuỗi Katinat có sự đóng góp không nhỏ của nữ doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt.
VNG bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh
07/09/2024 08:54
Sáng nay (7/9), VNG đã thông báo bổ nhiệm ông Kelly Wong - phó Tổng giám đốc VNG làm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh.
Lộ diện ông trùm đứng sau Black Myth: Wukong: Sở hữu công ty giá trị tỷ đô, lọt danh sách 30 Under 30” của Forbes
05/09/2024 08:40
Cuối cùng, nhân vật đứng sau tựa game đình đám Black Myth: Wukong cũng đã lộ diện.