Trong báo cáo mới phát hành, các nhà phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết Ngân hàng Phương Đông (OCB) ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3/2021 ấn tượng với lợi nhuận trước thuế tăng mạnh hơn 71% so với cùng kỳ lên hơn 1.107 tỷ đồng trong bối cảnh COVID-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận OCB tăng 50% lên 3.768,1 tỷ, đạt 68,5% kế hoạch.
Theo BVSC, nguyên nhân chính giúp OCB đạt được kết quả này là do: (1) Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ; (2) Lãi lớn từ chứng khoán đầu tư; (3) CIR tiếp tục được tối ưu hóa thuộc nhóm thấp nhất ngành; và (4) Chất lượng tài sản cải thiện đáng kể.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng cuối quý 3/2021 đạt 9,4%, vượt mức 7,2% của toàn ngành. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 1,6% so với quý trước lên 97,7 nghìn tỷ, trong khi trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 127,8% lên 1.387,7 tỷ, tuy nhiên đóng góp chưa đáng kể vào tổng dư nợ tín dụng.
BVSC cho biết, OCB đang gần chạm hạn mức tín dụng hiện tại là 10% và Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ nhận được khoản bổ sung khoảng 10% vào đầu tháng 11 để nâng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 lên mức 20%.
Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) quý 3 đạt 3,47% (tăng 0,24 điểm % so với cùng kỳ), mà Ban lãnh đạo cho rằng do: (1) Cắt giảm lãi suất và giảm lãi để hỗ trợ khách hàng, và (2) Không ghi nhận các khoản lãi dự thu từ các khoản vay cơ cấu lại. Tính đến cuối quý 3/2021, OCB đã giảm hơn 200 tỷ đồng thu nhập lãi để hỗ trợ khách hàng. Thu nhập lãi thuần Quý 3/2021 duy trì ở mức tốt 1.355 tỷ (+24,6% so với cùng kỳ 2020)
Thu nhập ngoài lãi quý 3/2021 tăng ấn tượng 62,3% lên 642,2 tỷ, được hỗ trợ chủ yếu bởi khoản lãi lớn từ chứng khoán đầu tư là 463,4 tỷ (gấp 5,9 lần cùng kỳ, chiếm 72,2% của thu nhập ngoài lãi). Các mảng ngoài lãi khác suy giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng tiêu cực bởi các hoạt động giãn cách xã hội nghiêm ngặt do COVID-19. Tựu chung lại, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của OCB tăng 37,4% lên 1.997,2 tỷ.
Chi phí hoạt động trong quý 3/2021 là 622,7 tỷ (+12,4%). Chủ yếu nhờ vào lãi từ chứng khoán đầu tư tăng vọt, tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động (CIR) được tối ưu hóa xuống 31,2% so với 37,3% trong quý 3/2020 và 27,8% trong quý 2/2021.
"Đây là một trong những mức thấp nhất trong ngành, thể hiện hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của OCB’’, BVSC cho hay.
Nợ xấu cuối Quý 3/2021 của OCB (Nợ nhóm 3-5) được kiểm soát chặt chẽ, giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay là 1,51% (giảm 0,64 điểm % so với cùng kỳ). Trong khi đó, nợ nhóm 2 cũng giảm mạnh 48,2% xuống 1.402,9 tỷ, tương đương chỉ 1,44% so với 3,01% trong quý 2 và 3,04% cuối năm 2020, mà Ban lãnh đạo cho rằng nhờ việc Ngân hàng chủ động thu nợ và chiến lược kiểm soát danh mục cho vay.
Chi phí dự phòng quý 3/2021 giảm 5,2% ở mức 267,5 tỷ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 75,0% vào cuối quý 3/2021 so với 70,0% quý 2/2021 và 62,1% cuối năm 2020. Ban lãnh đạo cam kết tiếp tục trích lập thêm, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối năm 2021 lên mức khoảng 80%.
Các khoản cho vay tái cơ cấu vào cuối quý 3 của OCB đạt 2.003 tỷ (chiếm 2,1% dư nợ), chủ yếu đến từ ngành vận tải và kho bãi, được dự đoán sẽ phục hồi nhanh sau nới lõng giãn cách. Lãi dự thu liên quan đến các khoản cho vay cơ cấu lại này ước tính là 432 tỷ.
Theo Ban lãnh đạo, nợ tái cơ cấu vào cuối năm 2021 của OCB có khả năng nhích lên 2.500 tỷ và tổng chi phí dự phòng cho các nợ được cơ cấu lại này ước tính khoảng 400 tỷ, sẽ được trích lập trong 3 năm. OCB đã trích khoảng 40 tỷ vào cuối quý 3/2021, và đặt mục tiêu sẽ trích thêm khoảng 85 tỷ trong Quý 4/2021.
Đến cuối quý 3/2021, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của OCB là 31,0%; trong khi tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) ở mức 71,8%, thấp hơn nhiều so với mức trần 85%. Hệ số CAR (Basel II) tăng lên 13,4% so với mức 12,9% cuối năm 2020, duy trì là nhóm cao nhất trong ngành (TCB: 15,2%; TPB: 14,6%), giúp duy trì tăng trưởng tín dụng cao trong thời gian tới.
Cổ phiếu OCB đóng cửa ngày 3/11 tại mức giá 28.800 đồng/cp, tăng gần 27% so với cuối tháng 9. BVSC kỳ vọng đợt tăng vốn sắp tới của OCB (qua phát hành riêng lẻ 5,1%), dự kiến hoàn thành trong quý 4/2021, không chỉ giúp duy trì đà tăng trưởng tín dụng cao mà còn thúc đấy việc đánh giá lại định giá cổ phiếu.
Theo kế hoạch được đại hội cổ đông hồi tháng 4 thông qua, OCB sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Mức giá chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất tại thời điểm phát hành.
Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ, ngân hàng sẽ trình nới room sở hữu nước ngoài lên mức tối đa 30%. Hiện tại room sở hữu nước ngoài của OCB đang được khoá ở mức 22%.