Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có nhận định nhanh về việc Việt Nam vẫn ở trong danh sách “theo dõi” thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ.
Bộ tài chính Mỹ mới đây đã phát hành báo cáo "Kinh tế vĩ mô và chính sách tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại chính". Đây là báo cáo mang tính bán niên, được Bộ tài chính đệ trình lên Quốc hội Mỹ một năm hai lần.
Trong báo cáo tháng 1/2020, Trung Quốc đã không còn bị Mỹ đánh giá là thao túng tiền tệ như động thái đưa ra hồi tháng 8/2019. Theođánh giá của Bộ tài chính Mỹ, trong quá trình đàm phán cho thỏa thuận thương mại bước 1, Trung Quốc đã có những cam kết không phá giá mạnh đồng NDT cũng như không sử dụng tỷ giá như một công cụ để đạt được lợi thế thương mại. Dựa trên cơ sở đó, Mỹ cũng không còn coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ nhưng nước này vẫn sẽ ở trong danh sách theo dõi của Mỹ (Monitoring List).
Ngoài Trung Quốc, trong danh sách theo dõi của Bộ Tài chính Mỹ còn có 8 quốc gia khác bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, Malasia, Việt Nam (đã ở trong danh sách theo dõi kể từ báo cáo vào 05/2019) và 1 quốc gia mới được thêm vào trong kỳ báo cáo lần này là Thụy Sỹ.
Riêng đối với Việt Nam, xét theo đánh giá của Mỹ trong vòng 4 quý tính đến 06/2019, Việt Nam mới chỉ vi phạm tiêu chí đầu tiên là có thặng dư thương mại với Mỹ vượt 20 tỷ USD (con số thực tế là 47 tỷ USD). Còn thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam mới chỉ đạt 1,7% GDP trong khi mua ròng ngoại tệ cũng mới chỉ đạt 0,8% GDP (chưa vi phạm tiêu chí 2% GDP).
Ngoài ra, Bộ tài chính Mỹ cũng đánh giá việc mua vào ngoại tệ của Việt Nam là có cơ sở hợp lý khi nhằm mục đích tăng dự trữ ngoại hối – vốn được đánh giá còn ở mức thấp. Ngoài ra, sự can thiệp của NHNN cũng mang tính hai chiều, có mua và có bán và việc bán ra USD là nhằm mục đích chống lại đà giảm giá của VND trong nửa cuối năm 2018.
Tuy vậy, BVSC cho rằng, cần nhấn mạnh là các đánh giá trong báo cáo tháng 1 của Bộ tài chính Mỹ dựa trên dữ liệu 4 quý tính đến 06/2019. Theo ước tính của BVSC, kể từ tháng 6/2019 đến nay, NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ (ước tính hơn 10 tỷ USD) và đã vượt mốc 2% GDP.
Do đó, rủi ro Việt Nam bị chính quyền Trump “để mắt” tới vẫn chưa thể được loại bỏ hoàn toàn trong thời gian tới. Mặc dù vậy, sau báo cáo phát hành vào tháng 1/2020, báo cáo tiếp theo của Bộ tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ được phát hành trong khoảng thời gian 6 tháng tới. Trong khoảng thời gian này, các số liệu sẽ còn tiếp tục thay đổi và cũng là cơ hội để phía Việt Nam tăng cường đối thoại với Mỹ nhằm giảm bớt rủi ro Việt Nam bị Mỹ dán mác thao túng tiền tệ.
Cũng ngay sau khi Mỹ công bố danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lên tiếng về việc này. Theo NHNN, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát dù chỉ đáp ứng một tiêu chí (trong 3 tiêu chí) về thặng dư thương mại song phương.
Với việc Việt Nam tiếp tục nằm trong Danh sách giám sát, trong thời gian tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.
Trước đó, tại Hội nghị ngành ngân hàng 2020 diễn ra hôm 02/01, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã khẳng định Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Việt Nam không thao túng tiền tệ.