Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, gói đánh thuế 250 tỷ USD của Mỹ tính đến nay mới mang lại thuận lợi cho xuất khẩu nhóm hàng máy móc, điện tử. Nhóm dệt may, giày dép, thủy sản chưa được hưởng lợi nhiều.
Các nhóm hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ hiện nay chủ yếu thuộc 2 lĩnh vực chính gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, thâm dụng nhiều lao động và các linh kiện, máy móc, các sản phẩm điện tử. Trong số này, hàng dệt may chiếm trọng lớn nhất (25%); đứng thứ hai là điện thoại và các loại linh kiện (chiếm 18,6%); thứ ba là giày dép các loại (chiếm 11%). Tiếp đến là gỗ và các sản phẩm gỗ (chiếm 8%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (chiếm 7,3%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm 7,2%); túi xách, vali, mũ, ô dù (chiếm 2,8%); phương tiện vận tải phụ tùng (chiếm 2,7%); thủy sản (chiếm 2,2%)...
Cơ cấu các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ 4T/2019.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, các nhóm hàng liên quan đến các sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị phụ tùng mà Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có mức tăng cao đột biến so với mức tăng chung của tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đó cũng như các thị trường khác.
Cụ thể, nhóm hàng điện thoại và các loại linh kiện xuất sang Mỹ có mức tăng lên tới 94,4% trong khi tổng xuất khẩu chung các nhóm hàng này giảm nhẹ 0,4% so với cùng kỳ 2018. Trái ngược với thị trường Mỹ, xuất khẩu nhóm hàng này sang EU (28 nước) giảm 3,9%; sang Trung Quốc (giảm 65%). Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất sang Mỹ tăng 64%, vượt xa mức tăng chung 12% của tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này cũng như tăng trưởng tại các thị trường khác như Trung Quốc (chỉ tăng 3,7%), EU (28 nước) (tăng 1,8%); Hàn Quốc (tăng 6,6%).
Nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác xuất sang Mỹ tăng 54,7% trong khi xuất sang EU tăng 18,7%; Nhật Bản tăng 4,9%; Hàn Quốc tăng 17,9%. Mức tăng chung của xuất khẩu nhóm hàng này cũng chỉ là 6,8%.
Trong khi đó, các nhóm hàng liên quan đến công nghiệp chế biến và thâm dụng nhiều lao động xuất khẩu sang thị trường Mỹ 4 tháng đầu năm 2019 có mức tăng thấp hơn nhóm hàng điện tử, đi kèm với đó là sự phân hóa rõ nét.
Cụ thể, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất sang Mỹ tăng 34,7% trong khi xuất sang Nhật Bản tăng 18,2%; sang Trung Quốc giảm nhẹ 0,1%. Mức tăng chung xuất khẩu của nhóm hàng này là 17,8%; • Nhóm hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù xuất sang Mỹ tăng 31,2% trong khi xuất khẩu chung toàn bộ nhóm hàng chỉ tăng 11,3%.
Ở chiều ngược lại, nhóm hàng dệt may xuất sang Mỹ chỉ tăng 9,1%, thấp hơn mức tăng xuất khẩu chung 10,2% của nhóm hàng này. Tuy vậy, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng dệt may quan trọng nhất của Việt Nam với tỷ trọng 47%.
Tương tự như dệt may, xuất khẩu giày dép sang Mỹ cũng chỉ tăng 13,5%, thấp hơn mức tăng chung 14,5% của toàn bộ nhóm hàng. Mỹ hiện cũng là thị trường xuất khẩu giày dép lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 37%.
Tăng trưởng xuất khẩu các nhóm hàng chính sang Mỹ 4T/2019.
Xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều nhóm hàng vượt mức tăng chung.
Theo BVSC, một trong những nguyên nhân quan trọng lý giải sự phân hóa trong tốc độ tăng trưởng giữa các nhóm hàng mà Việt Nam xuất vào Mỹ trong các tháng qua đến từ lộ trình áp thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc.
Thứ nhất, các mặt hàng điện tử và đồ điện gia dụng của Trung Quốc (trừ điện thoại di dộng) hầu hết đã bị Mỹ áp thuế trong gói hàng hóa trị giá 250 tỷ USD. Đây cũng là những nhóm hàng mà Việt Nam xuất vào Mỹ có mức tăng trưởng đột biến và mạnh nhất như phân tích ở trên. Điều này là bằng chứng cho thấy xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam đang được hưởng lợi lớn nhờ xung đột thương mại Mỹ-Trung.
Thứ hai, những nhóm hàng xuất khẩu thâm dụng nhiều lao động mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế là dệt may, giày dép, sản xuất đồ chơi... trên thực tế lại chưa có thấy sự tăng trưởng bứt phá. Điều này là do trong gói hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cho đến nay chưa bao gồm những mặt hàng này. Do đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng, giúp xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh tại các mặt hàng trên chưa thật sự rõ nét.
Thứ ba, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại mới vào cuối tháng 6 tới dẫn tới việc chính quyền D.Trump quyết định áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc thì cơ hội tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Mỹ là rất lớn. Khi đó, những mặt hàng tiêu dùng là thế mạnh sản xuất của Việt Nam như dệt may; da giày; đồ chơi và dụng cụ thể thao... sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để lấy thị phần từ Trung Quốc khi nước này bị đánh thuế. Mức thuế 25% là khá lớn đối với những ngành có biên lợi nhuận trung bình, thâm dụng nhiều lao động nên xu hướng các nhà nhập khẩu Mỹ dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác nhằm tránh thuế sẽ diễn ra mạnh hơn. Kể cả trong kịch bản Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận dẫn đến việc Mỹ chưa áp thuế lên gần 250 tỷ USD còn lại thì chỉ riêng việc Mỹ tăng thuế từ 10 lên 25% đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc từ 10/05/2019 vừa qua cũng đã mang đến cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu tại Mỹ trong các quý tới.
Dựa vào mức thị phần hàng Việt Nam tăng lên được (tăng 0,2%) kể từ khi Mỹ chính thức áp thuế lên hàng Trung Quốc một năm trước và quy mô gói hàng hóa Trung Quốc đang bị Mỹ đe dọa đánh thuế tiếp, BVSC ước tính nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang lên mức cao nhất, thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ có thể tăng thêm khoảng 1% so với mức hiện nay, tương đương khoảng 25 tỷ USD (tức khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2018).
Bên cạnh đó, BVSC cũng khuyến cáo một trong những rủi ro lớn nhất chính là việc thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ sẽ tăng nhanh, có thể khiến chính quyền của Tổng thống D.Trump “để mắt”, xem xét sử dụng các biện pháp nhằm hạn chế hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Năm 2018, Việt Nam nhằm trong nhóm các đối tác mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất (đứng thứ 7) với 36 tỷ USD, lần lượt sau Trung Quốc (383 tỷ USD), Mexico (117 tỷ USD), Canada (69,3 tỷ USD), Đức (68,5 tỷ USD), Nhật Bản (59 tỷ USD) và Ireland (38 tỷ USD).
BVSC giả định mức dự báo trên về việc xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể tăng thêm 25 tỷ USD trong vòng 1 năm tới (bắt đầu từ 01/07/2019) trong kịch bản Mỹ đánh thuế 25% toàn bộ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc là đúng thì thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong năm 2019 có thể đạt mức trên 50 tỷ USD, qua đó nhiều khả năng đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 6 trong số các đối tác có xuất siêu lớn nhất vào Mỹ.
Trong trung và dài hạn, diễn biến này có thể sẽ khiến Mỹ áp đặt các biện pháp như đã từng làm với các đối tác thương mại khác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ như rút Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hay đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ. Báo cáo mới nhất của Bộ thương mại Mỹ hồi đầu tháng 06/2019 mới chỉ đưa Việt Nam vào danh sách “theo dõi” thao túng tiền tệ nhưng thời gian tới Việt Nam cần hết sức thận trọng trong việc điều hành tỷ giá, tránh can thiệp vào thị trường ngoại hối quá nhiều nhằm tránh việc Mỹ “gán mác” thao túng tiền tệ. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn (1 năm tới), với việc chính quyền Trump đang có những “thiện cảm” nhất định đối với Việt Nam cũng như Việt Nam đang là một nguồn thay thế hàng nhập khẩu khá phù hợp cho Mỹ trong trường hợp Mỹ không muốn mua hàng từ Trung Quốc thì rủi ro chính quyền Trump nhắm đến thặng dư thương mại của Việt Nam ngay trong thời điểm hiện tại chưa quá cao.
Ngoài ra, một rủi ro khác Việt Nam cần thận trọng chính là việc hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi “mượn danh” hàng Việt Nam xuất đi Mỹ nhằm né thuế. Hàng Việt Nam xuất khẩu gia tăng mạnh có thể khiến Mỹ tăng cường các hoạt động kiểm tra về xuất xứ. Nếu Mỹ phát hiện hàng hóa của các quốc gia khác chỉ quá cảnh qua Việt Nam rồi xuất đi, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt lên xuất khẩu toàn bộ nhóm hàng, gây thiệt hại liên đới đến các doanh nghiệp kinh doanh minh bạch. Do vậy, Việt Nam cần siết chặt các biện pháp quản lý thị trường cũng như công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để tránh rủi ro trên.