Tổng kết cả năm 2019, thị trường chứng khoán tăng điểm nhẹ, tuy nhiên thanh khoản lại giảm mạnh so với năm 2018. Trong đó, VN-Index đóng cửa tại 960,99 điểm, tăng 7,67%; HNX-Index đóng cửa tại 102,51 điểm, giảm 1,65%.
Tổng vốn hóa cả 3 sàn đạt 4 triệu tỷ, riêng sàn HSX đạt 2,8 triệu tỷ. Giá trị giao dịch bình quân phiên 3 sàn đạt 4.657 tỷ/phiên, giảm 28,85% so với năm trước, tại HSX đạt 3.952 tỷ/phiên. Trong đó, khối ngoại thực hiện mua ròng 6.701 tỷ tại HSX, nếu tính riêng khớp lệnh thì nhà ĐTNN bán ròng 1.644 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các thương vụ phát hành riêng lẻ vẫn thu được nhiều kết quả cao như các thương vụ VIC phát hành riêng lẻ cho SK Group, BID phát hành cho KEB Hana Bank, BVH phát hành cho Sumitomo Life. Ngược lại, do sự trầm lắng của thị trường nên các kênh huy động vốn khác như IPO, phát hành cho cổ đông hiện hữu... đã sụt giảm mạnh.
Ở diễn biến khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh trong những năm gần đây về quy mô, tính đa dạng và khả năng tiếp cận với nhà đầu tư nhỏ đã tạo ra sự cạnh tranh lớn đối với thị trường cổ phiếu.
Theo một báo cáo, lũy kế 10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng TPDN phát hành là 178.732 tỷ đồng (số liệu bao gồm cả các lô phát hành ra công chúng nhưng không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do chưa được công bố), trong đó các NHTM vẫn là tổ chức phát hành lớn nhất với tổng lượng phát hành hơn 79.411 tỷ đồng (chiếm 44,4%), đứng sau là các doanh nghiệp BĐS với 61.269 tỷ đồng (chiếm 34,3%), còn lại là các công ty phát triển hạ tầng, CTCK và các doanh nghiệp khác.
Dự báo năm 2020, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng xu hướng này có thể vẫn diễn ra. Và theo đó, sự tăng trưởng của trái phiếu sẽ là rủi ro khiến thị trường cổ phiếu khó tăng trưởng, song song với những rủi ro như lạm phát, quan hệ Mỹ - Trung...
Mặc dù vậy, với tốc độ tăng trưởng vốn hóa của Việt Nam đạt gần 250% sau 3 năm, tốc độ tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức cao, tỷ lệ vốn hóa/GDP của thị trường cổ phiếu vẫn ở mức dưới 80%, tiềm năng tăng trưởng về quy mô của thị trường cổ phiếu còn nhiều, BVSC cho hay.
Nhận định thị trường cổ phiếu cho năm 2020, với việc đầu tư vào quỹ ETFs đang trở thành xu hướng, và một trong những tiêu chí để phân phối tài sản của các quỹ này là vốn hóa thị trường, với việc vốn hóa của TTCK Việt Nam tăng nhanh trong thời gian vừa qua, khiến thị trường cổ phiếu dần trở nên quan trọng và hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà quản lý quỹ.
Bên cạnh đó, việc nâng hạng hay có thêm các chỉ số mới sẽ là kênh dẫn vốn vào thị trường Việt Nam trong các năm tới. Những cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn, các cổ phiếu xuất hiện trong nhiều chỉ số sẽ diễn biến sôi động hơn những cố phiếu còn lại.
Đáng chú ý, trong vòng 10 năm gần đây, dòng tiền liên tục chảy vào các quỹ ETFs, đặc biệt là các quỹ ETFs cổ phiếu. Trong năm 2019, các quỹ ETF rót vốn ròng vào thị trường Việt Nam. Năm 2020, với việc HSX ban hành thêm các chỉ số mới là cơ hội tốt để có thêm các quỹ ETF ra đời và hút vốn cho thị trường. Việc lựa chọn các cổ phiếu được hưởng lợi từ dòng tiền ETF cũng là một hướng đầu tư tốt trong năm 2020.
Cuối cùng, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết năm 2020 được dự báo ở mức 13,9%, cao hơn mức dự kiến 9,5% của 2019. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào tỷ trọng lợi nhuận toàn thị trường. Nhóm ngành này dự báo có lợi nhuận tăng trưởng trên 20% trong năm 2020 với sự đóng góp lớn của Vietcombank (VCB).
Một số nhóm ngành phi tài chính khác như thép (Hoà Phát, HPG), bản lẻ (Thế giới Di động, MWG), công nghệ thông tin (FPT) cũng sẽ có lợi nhuận sẽ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình của thị trường trong năm 2020.