Cụ thể, tính đến ngày 4/3/2020, 23 TCTD đã báo cáo lên NHNN, theo đó ước tính có khoảng 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, chiếm 14,3% dư nợ của 23 TCTD này và 11,3% dư nợ toàn ngành. Dư nợ bị ảnh hưởng của các NHTM nhà nước khoảng gần 600.000 tỷ đồng.
Vietcombank ước tính dư nợ của các khoản vay hiện hữu được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ VNĐ (chiếm khoảng 4% dư nợ của VCB và 7% dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp) và số tiền giảm lãi suất là 300 – 450 tỷ đồng. Ngoài ra các TCTD đã xây dựng gói hỗ trợ tín dụng với tổng giá trị 285.000 tỷ và mức giảm lãi suất bình quân là 0,5 – 1%.
BVSC giả sử dư nợ được hỗ trợ của VCB chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, lãi suất bình quân đầu ra có thể giảm 0,2 – 0,3%. Ngoài ra, BVSC cũng dự báo tỷ lệ NPL của VCB trong 2020 sẽ tăng lên 1%.
So với báo cáo trước đây, BVSC đã điều chỉnh ghi nhận thu nhập one off từ thỏa thuận banca với FWD chia đều trong 5 năm thay vì 2 năm, giữ nguyên NIM ở mức 3,13% thay vì tăng 10bsp như dự báo trước đây, và tăng chi phí trích lập. Loại trừ tác động của thu nhập bất thường, LNTT của Vietcombank dự báo tăng trưởng 17,2%.
Nhìn chung, BVSC vẫn đánh giá cao triển vọng trung và dài hạn của VCB với nhận định VCB còn nhiều dư địa tăng trưởng lợi nhuận cộng với khả năng chống sốc tốt với các diễn biến bất lợi của kinh tế. Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng lưu ý rủi ro với Vietcombank khi diễn biến kinh tế xấu hơn và VCB không phát hành tăng vốn ngay trong 2020.