Xây dựng 47 (C47) vừa công bố BCTC quý 3/2018 với doanh thu và lợi nhuận đồng thuận giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp đã ghi nhận tăng sau thời gian đầu HĐQT mới bắt tay tái cơ cấu toàn diện Công ty.
Lợi nhuận giảm, biên lãi gộp có cải thiện
Chi tiết báo cáo, doanh thu quý 3 Công ty đạt 222 tỷ đồng, giảm 20% cùng kỳ, giá vốn tương ứng giảm mạnh khiến C47 thu về mức lợi nhuận gộp là 41 tỷ, tăng so với con số 37 tỷ hồi quý 3 năm ngoái. Theo đó, biên lợi nhuận gộp C47 ghi nhận cải thiện mạnh từ mức 13,9% lên 18,5%.
Tuy nhiên, mảng tài chính vẫn chưa cho thấy kết quả rõ nét mặc dù Công ty đang tập trung tái cơ cấu nợ, dự kiến giảm dư nợ vay hơn phân nửa về 400 tỷ đến giữa năm 2019. Cụ thể, chi phí lãi vay vẫn ở mức cao, 22 tỷ đồng. Trong khi doanh thu tài chính sụt giảm đột biến, từ 32,5 tỷ cùng kỳ về chỉ còn 32 triệu đồng. Chi phí quản lý cũng không nhiều thay đổi, đi ngang tại mức 9 tỷ so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả là, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh C47 đạt 9,8 tỷ, giảm mạnh so với con số 32 tỷ cùng kỳ, biên lợi nhuận thuần tương ứng cũng giảm mạnh.
Mặt khác, Công ty trong kỳ có thanh lý, nhượng bán tài sản cổ định với giá trị ghi nhận trên BCTC 12 tỷ (con số trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ là 51 tỷ đồng), dẫn đến lợi nhuận sau thuế Công ty không chịu áp lực quá mạnh từ mảng tài chính, vẫn đạt 17 tỷ, tức giảm 41% so với quý 3/2017.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu C47 đạt 611 tỷ, tương ứng mức lợi nhuận gộp 115 tỷ đồng. Ghi nhận, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 16% tăng lên 19% đến cuối quý 3 năm nay. Về chi phí, chi phí lãi vay giảm từ 86 về 71 tỷ, cùng khoản thu từ thanh lý tài sản mang về 24 tỷ lợi nhuận sau thuế cho Công ty.
Kết quả kinh doanh C47 giai đoạn Q3/2017-Q3/2018
Đvt: Tỷ đồng
Là một đơn vị đi đầu trong mảng thi công xây lắp có thâm niên, đồng thời đóng góp vào những công trình trọng điểm quốc gia, tuy nhiên biên lợi nhuận mỏng là điều mà ban lãnh đạo C47 thẳng thắn nhìn nhận và cố gắng để cải thiện thời gian tới. Công cuộc tái cấu trúc bao gồm 4 mảng, (1) nhân sự cắt giảm thành viên cũng như phòng ban, thúc đẩy quỹ lương Công ty đã giảm mạnh, từ mức 30% tổng doanh thu trong quý 1 giảm phân nửa về tỷ trọng 15% đến quý 2/2018; (2) cắt bỏ những khoản đầu tư; (3) thanh lý thiết bị cũ, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng và (4) cuối cùng là tái cấu trúc nợ.
Đến nay, sau vài tháng tái cấu trúc, C47 cơ bản giải quyết được câu chuyện biên lợi nhuận gộp, tức liên quan đến công tác kinh doanh hoạt động. Theo nhóm HĐQT mới, Công ty đã tiến hành giao khoán và quản lý trong quá trình nhận thầu và thi công, đồng thời áp dụng mô hình này trong quá trình cho thuê thiết bị, cấu trúc các khoản vay dài hạn mua thiết bị sang phương thức thuê tài chính, giúp giảm áp lực chi phí trung gian, tăng hiệu suất công việc.
"Cân não" với câu chuyện tái cấu trúc nợ
Tuy nhiên, vấn đề vẫn còn khá lớn với mức dư nợ vay chiếm phân nửa tổng tài sản Công ty. Tính đến ngày 30/9/2018, tổng nợ phải trả Công ty là 1.880 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức 1.914 tỷ đầu kỳ. Trong đó, nợ ngắn hạn ghi nhận 1.273,5 tỷ, chiếm tỷ trọng lớn là nợ vay 751 tỷ đồng. Nợ dài hạn giảm từ 692 tỷ về 606 tỷ đồng, đặc biệt nợ vay dài hạn giảm mạnh từ mức 406 tỷ về chỉ còn 278 tỷ đồng.
Tổng tài sản Công ty hiện đạt 2.204 tỷ, tài sản ngắn hạn chiếm 1.304 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay hiện đang chiếm hơn 41% tổng tài sản Công ty, có giảm so với tỷ lệ 50-60% những quý trước đó mặc dù vẫn còn ở mức cao.
Nói về vấn đề này, tại buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư mới đây, ông Lê Trường Sơn – Phó Chủ tịch HĐQT - cho biết kể từ tháng 4/2018 C47 đã tiến hành tái cấu trúc toàn diện và đến nay cơ bản hoàn thiện tái cấu trúc nội bộ, vấn đề tiếp theo là tái cấu trúc tài chính.
Hiện, tỷ lệ nợ C47 đúng là quá cao khiến hằng năm phải gánh khoản chi phí tài chính hơn 100 tỷ đồng. Nhận thấy tồn tại này, HĐQT mới đặt mục tiêu đến giữa năm 2019 sẽ giải quyết xong tái cơ cấu toàn bộ nợ. Chi tiết bài toán cơ cấu nợ, nền tảng theo ông Sơn là thoái vốn đầu tư ngoài ngành và cơ cấu tài sản.
(i) Thứ nhất, liên quan đến thoái vốn ngoài ngành, đơn cử vào quý 3 năm ngoái C47 đã tiến hành thoái vốn tại Thủy điện Định Bình, giá bán 30.000 đồng/cp, tức thu lợi 30 tỷ đồng và đã hạch toán vào kết quả kinh doanh khác trong kỳ kế toán. Bước sang năm 2018, song song công tác nhượng quyền khai thác mỏ đá Bình Đê (giá trị 10 tỷ), thoái vốn tại chi nhánh Tp.HCM cùng mảnh đất liền kề 20 tỷ đồng, mới đây C47 vừa thông qua việc chuyển nhượng tài sản trên đất thuộc dự án Nhà máy Gạch Phước Thành (đơn vị nhận bàn giao là CTCP Phú Tài với giá trị thương thảo gần 19 tỷ đồng).
Hiện, Công ty tiếp tục lên kế hoạch thoái vốn tại Thủy điện Buôn Đôn với giá trị đầu tư 26,8 tỷ đồng (tương đương nắm giữ hơn 3 triệu cổ phiếu, đang niêm yết trên UpCOM với mã BSA), hay một số tài sản khác như khách sạn Hải Âu, dự án 105 Tây sơn – khu đô thị An Phước, trụ sở văn phòng số 8 Biên Cương…
(ii) Thứ hai về cơ cấu tài sản, công cuộc thanh lý thiết bị cũ, thu hồi vốn trả nợ ngân hàng đã được triển khai 2 đợt kể từ tháng 4/2018. Hiện, máy móc thiết bị cũng được C47 khấu hao nhanh. Trong đó, tính đến cuối quý 2/2018, tài sản cố định còn lại theo giá trị sổ sách Công ty là 776 tỷ đồng (nguyên giá là 1.536 tỷ và giá trị hao mòn lũy kế đã khấu hao là 760 tỷ), chiếm 34,72% tổng tài sản.
Thông tin thêm, hiện mức vốn chủ sở hữu C47 chỉ đạt 170 tỷ đồng đã làm hạn chế khả năng tham gia đấu thầu các công trình lớn. Do đó song song với công cuộc tái cấu trúc, HĐQT đã kế hoạch sẽ tiến hành chia thưởng tỷ lệ 1:1 tăng vốn chủ sở hữu, tiếp đến tiến hành chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, dự sẽ trình cổ đông thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 11 tới đây.
Giao dịch cổ phiếu C47 6 tháng qua.