Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (Mã CK: PXS) đã công bố BCTC quý 4/2018 với con số thua lỗ lên tới hơn 56 tỷ đồng.
Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt hơn 100 tỷ đồng tăng gần 30 tỷ đồng so với cùng kỳ nhờ tăng doanh thu từ hoạt động xây lắp. Tuy nhiên giá vốn hàng bán lại nên tới 140,6 tỷ đồng nên PXS lỗ gộp hơn 40 tỷ đồng trong khi cùng kỳ mức lỗ gộp chỉ là 14,5 tỷ đồng.
Trong kỳ công ty có 2,7 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh so với con số 432 triệu đồng cùng kỳ cùng với các nỗ lực cắt giảm mạnh chi phí tài chính và chi phí QLDN nhưng kết quả PXS vẫn lỗ 56,4 tỷ đồng tăng thêm hơn 10 tỷ đồng so với mức lỗ cùng kỳ.
Theo giải trình từ phía công ty thì tình hình SXKD trong năm 2018 vẫn gặp nhiều khó khăn do phần lớn các dự án của công ty thực hiện đều là các dự án chuyển tiếp từ năm trước, các dự án tìm kiếm được thực hiện trong năm giá trị không nhiều, đơn giá thấp; bên cạnh đó các dự án lớn như Long Sơn, Sao Vàng Đạt Nguyệt triển khai chậm nên sản lượng, doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Bức tranh chung cả năm 2018 của PXS khá tệ khi doanh thu thuần chỉ đạt 232,5 tỷ đồng chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ, LNST âm 139,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 943,8 triệu đồng – Đây cũng là năm đầu tiên mà PXS báo lỗ trong lịch sử hoạt động của công ty. Trước đó suốt cả giai đoạn 2009 – 2016 mỗi năm PXS đều thu lãi cả chục thậm chí cả trăm tỷ đồng
Được biết tại ĐHĐCĐ 2018, Công ty dự kiến doanh thu đạt 670 tỷ đồng, giảm 19% so với thực hiện năm 2017; lợi nhuận trước thuế dự kiến 2 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2017.
Trong phần thuyết minh của BCTC, PXS vẫn tiếp tục nhìn nhận ngành nghề hoạt động của công ty đang chứa đựng các rủi ro về sự biến động giá thị trường của các loại nguyên vật liệu dùng cho thi công. Những thay đổi về giá NVL thi công có thể ảnh hưởng lớn đến những lợi ích và nghĩa vụ kinh tế của công ty. Sự thay đổi của thị trường cũng như ảnh hưởng của các chính sách quản lý vĩ mô của chính phủ là rất khó dự đoán vì vậy BGĐ không thể lượng hóa được sự ảnh hưởng của vấn đề này đối với các công trình đang thi công của công ty. Kết quả cuối cùng sẽ chỉ được xác định khi hoàn thành thi công và nghiệm thu bàn giao cho các chủ đầu tư.
Đáng chú ý mặc dù thua lỗ nhưng PXS đang có lượng tiền mặt là 144 tỷ đồng và 124,6 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng tăng mạnh tính đến 31/12/2018 so với con số 60,5 tỷ đồng đầu năm. Tuy nhiên các khoản công nợ cũng ở mức cao với 1.026 tỷ đồng nợ phải trả chiếm 63% tổng tài sản của công ty trong đó có 246 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và hơn 33 tỷ đồng vay và nợ dài hạn. PXS cũng đã chính thức bị lỗ luỹ kế hơn 100 tỷ đồng so với con số có lãi hơn 39 tỷ đồng hồi đầu năm.
Bên cạnh đà lao dốc của kết quả kinh doanh, giá cổ phiếu PXS cũng đã bay gần 60% kể từ đỉnh 11.500 đồng/cp hồi đầu năm. Kết phiên chiều 20/01, giá cổ phiếu PXS dừng ở mức 4.880 đồng/cp.