Người dân tỉnh Lâm Đồng bắt tay vào trồng cây cà chua thân gỗ (Magic-S) với hy vọng đổi đời vì giá trị dinh dưỡng và giá thành lên đến gần 1 triệu đồng/kg nhưng hiện nay nhiều người cho biết giá chỉ còn 50.000-150.000 đồng/kg, thậm chí thương lái không mua khiến nông dân phải bỏ cho trái cà chín khô trên cây.
Người trồng than ế
Có mặt tại xã Tu Tra (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) khi hỏi về cà chua thân gỗ chỉ nhận được cái thở dài, ngao ngán của người dân - những người trực tiếp trồng, chăm sóc loại cây có khi được thổi giá lên đến hơn 1 triệu đồng/kg.
Tại vườn của ông Nguyễn Bá Tôn, xã Tu Tra, nhờ hợp khí hậu và được chăm sóc cẩn thận nên những cây cà chua thân gỗ phát triển rất nhanh. Hơn một năm trước, nhiều đoàn khách và lãnh đạo các tỉnh phía Bắc đến tham quan, học hỏi mô hình của ông Tôn. "Khoảng giữa năm 2017, gia đình tôi đánh liều bán 26 con bò sữa rồi cùng một người bạn mượn thêm tiền mua hơn 1.000 cây cà chua thân gỗ giống để trồng. Khi đó, nhiều người đồn thổi về giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao nên cây giống cũng được bán tới 300.000-500.000 đồng/cây. Hơn 1 năm bỏ công chăm sóc tới khi cho thu hoạch thì không ai đếm xỉa tới..." - ông Tôn chua xót.
Những quả Magic-S chín đỏ trên cây
Cũng như ông Tôn, ông Nguyễn Mạnh Hà cũng thành lập HTX Magic-S Rạng Đông năm 2018. Tuy nhiên, sau 4 tháng kể từ khi thành lập, HTX mới chỉ bán được khoảng 2,8 tấn quả Magic-S cho Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Đà Lạt với giá chỉ từ 50.000-150.000 đồng/kg, tùy thuộc vào mẫu mã của mặt hàng.
Trong khi đó, tại xã Mê Linh, Tân Hà (huyện Lâm Hà) và Hòa Ninh, Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), nhiều hộ gia đình đã phải bấm bụng chặt bỏ những cây Magic-S do không bán được quả ra như thời gian trước.
Tỉnh nói không đáng lo
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng đây là loại cây trồng được nghiên cứu trong thời gian dài nên cần có thời gian để thị trường chấp nhận. Đồng thời cho biết tỉnh đã liên kết với với một số đơn vị sản xuất nước giải khát thu mua và tiêu thụ vì hàm lượng dinh dưỡng của loại cà chua này rất cao.
"Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng có 3 công ty thu mua quả Magic-S là Công ty TNHH Nông sản Langbiang, Công ty TNHH Thảo Nguyên Xanh, Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Đà Lạt. Theo tôi biết, sản lượng quả Magic-S tại tỉnh Lâm Đồng hiện không đủ cung cấp cho 3 công ty này chứ không có chuyện bán ra không ai mua. Hầu hết người dân canh tác loại cây này mang tính tự phát khi có trái lại thụ động không giới thiệu sản phẩm nên có thể các đơn vị thu mua chưa biết đến..." - ông Phạm S nói.
Ông S cho biết thêm các công ty đang thu mua quả Magic-S để sản xuất nước giải khát và bột Magic-S. Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm Đà Lạt đang tiến hành mở rộng hệ thống kho lạnh để tiếp tục thu mua số lượng lớn trái cà chua thân gỗ giúp người dân. "Hiện tại, chúng tôi định hướng người trồng bán cho khách du lịch, các điểm du lịch canh nông… Nhiều người đưa cà chua này đi các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông hay miền Tây và TP HCM bán vẫn có giá hàng trăm ngàn đồng/kg" - ông Phạm S thông tin thêm.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết đơn vị đang phối hợp với các Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tỉnh thống kê diện tích, sản lượng, các loại dịch bệnh đối với loại cây này để có những tư vấn và hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Được biết, Magic-S là loại cây được ông Phạm S đưa từ nước ngoài về để nghiên cứu trong khoảng từ năm 2014-2016 và đã được cấp bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đây là loại cây rất dễ trồng, có thời gian thu hoạch dài, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nên thời gian tới sẽ được tỉnh Lâm Đồng đưa vào chương trình chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có khoảng 44,8 ha trồng cây cà chua thân gỗ. Trong đó, diện tích đã cho thu hoạch là 39,8 ha với tổng sản lượng 377 tấn/năm. Toàn tỉnh chỉ có một cơ sở sản xuất giống cà chua thân gỗ Magic-S tại TP Bảo Lộc, được nuôi cấy mô từ kết quả nghiên cứu của tiến sĩ Phạm S.