Lối vào văn phòng Aqua One Group trải dài giữa hai hàng trúc. Trụ sở Hà Nội của công ty đặt tại một căn biệt thự màu trắng nằm biệt lập trên con đường Lạc Long Quân.
Aqua One Group là một trong ba tập đoàn của vị tân cá mập của Shark Tank Việt Nam mùa 3 - bà Đỗ Liên. Ngoài cương vị Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại Việt Nam, bà Liên còn là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch Hội Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty nước mặt sông Đuống, và là Nhà sáng lập của ứng dụng Bảo hiểm Công nghệ LIAN - dự án đưa ngành Bảo hiểm bắt kịp cuộc cách mạng 4.0.
Văn phòng làm việc của vị sếp 3 công ty khá đơn giản. Bàn làm việc không chạm trổ, mặt bàn có duy nhất một chiếc máy tính và 2 cuốn sổ. "Bàn làm việc của tôi cuối ngày sẽ không còn một tờ giấy nào. Tôi nghĩ cuộc sống càng đơn giản, mình càng hạnh phúc. Cho nên mọi thứ trong ngày tôi đều xử lý, để cuối ngày bàn không bao giờ còn 1 tờ giấy. Nếu bước vào một văn phòng mà ngập giấy tờ, mình sẽ bị ngợp và không còn minh mẫn", Shark Liên chia sẻ.
Với bà Liên, nơi này không chỉ như một phòng làm việc, mà cũng giống như phòng thiền, nơi bà tái tạo năng lượng mỗi ngày. Cho nên dù không bao giờ ngủ trưa, vị "cá mập bà ngoại" lúc nào cũng tràn đầy năng lượng ở độ tuổi U60.
Xin bà cho biết cơ duyên nào đưa bà đến với Shark Tank Việt Nam mùa 3? Bà có ngại tính chất gameshow của chương trình sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh?
Tôi với Lê Hạnh (CEO TVHub - đơn vị tổ chức chương trình Shark Tank Việt Nam - PV) chỉ biết nhau. Vô tình biết Hạnh tìm Shark nữ cho mùa 3, khi Hạnh mời tôi nói "OK". Shark Tank Việt Nam là chương trình có sức hút với các bạn trẻ, đặc biệt với các con tôi.
Nhưng khi nhận lời, phản ứng đầu tiên từ gia đình là e ngại khi chương trình có một chút về giải trí. Tôi đang làm kinh tế, chuyển sang một chút về giải trí thì có ảnh hưởng hay không? Rồi bạn bè nhiều người nói ra nói vô.
Với tôi, một khi đã hứa sẽ giữ lời và không bao giờ phản bội lời hứa ấy, nhưng thực sự trước khi bước chân vào trường quay tôi vẫn có chút lo lắng. Nhưng khi ngồi trên ghế nóng, hơn hết tôi lại thấy đứng trước mặt mình, các bạn trẻ đang truyền năng lượng rất tốt. Các bạn có nhiều ý tưởng rất hay, mà thậm chí ở vị trí Shark mình thấy học được một số thứ, tôi thậm chí học được ngay từ các Shark bên cạnh.
Vị trí Shark giúp tôi thực hiện 2 mong muốn: Là một người truyền cảm hứng và Làm công tác xã hội. Những cái mà tôi đang có được, những cái mà tôi thấy rất hạnh phúc với cuộc sống của mình tôi cũng muốn truyền cảm hứng tới các bạn, nhất là phụ nữ, để các bạn thấy rằng cuộc sống rất ngắn, mình làm sao để mỗi một giây phút, mỗi một ngày trôi qua không bị vô nghĩa.
Chứ ở tuổi này rồi mình đâu cần nổi tiếng, công việc của tôi đang rất tốt nên cũng không cần quảng bá.
Hiện tượng sao chép mô hình kinh doanh như bà Lê Hạnh chia sẻ "Mùa này Talks Café được đầu tư, mùa sau Shark Tank nhận được 10 hồ sơ với mô hình tương tự" có nhiều không, theo trải nghiệm của bà?
Thực ra cũng có nhưng không nhiều. Có những bạn làm về telesales hoàn toàn tự động. Có những bạn vẫn làm về công nghệ nhưng ứng dụng vào lĩnh vực sửa điện thoại, tức tạo ra cái máy để máy đó sửa được màn hình tại nhà.
Hay có những bạn trẻ tổ chức các show diễn dựng lại câu chuyện làng nghề về nước mắm đã 300 năm, mô tả chi tiết cảnh người làng làm ra những giọt nước mắm tinh khiết bằng thủ công, bằng ướp, tẩm… để hút khách du lịch…
Những cái lặp lại như bạn hỏi cũng có nhưng không nhiều. Có thể các bạn tuổi còn trẻ, nghĩ đơn giản rằng: Khởi nghiệp là bạn kia thành công thì mình cũng sẽ thành công, nên sao chép lại y hệt mô hình ấy. Nhưng muốn khởi nghiệp cần có sự khác biệt, có sáng tạo riêng của mình, có ý tưởng độc đáo, có chiến lược, nghiên cứu thị trường, quan trọng hơn nữa là phải rất đam mê, có nhiệt huyết.
Bà có khuyên các bạn startup trước tiên phải nghiêm túc với ước mơ của mình, và phải có tư duy thủ lĩnh. Bà định nghĩa thế nào là tư duy thủ lĩnh?
Có đam mê, ý tưởng, chiến lược rõ ràng, quan trọng nhất là vô cùng nhiệt huyết với câu chuyện của mình, thì anh đã là nhà lãnh đạo rồi. Là nhà lãnh đạo rồi thì anh phải thu hút được người giỏi về với mình
Người đứng đầu đầu tiên phải có những tố chất ấy. Bên cạnh yếu tố nhiệt huyết, anh phải có những ý tưởng, kế hoạch, định hướng rõ ràng trong kinh doanh, có mục đích, tầm nhìn cho doanh nghiệp. Có mục đích tốt chắc chắn có con đường đi tốt, và hướng để anh kinh doanh sẽ là hướng bền vững.
Còn anh sao chép kiểu ông A bán cà phê tự động tốt quá thì cũng đi kinh doanh giống như vậy, rõ ràng sao chép thì chỉ ăn xổi trong một giai đoạn nào đó. Khi hết tiền chúng ta không biết cách xoay nào nữa, sẽ chết.
Các lĩnh vực kinh doanh của bà dường như không liên quan đến nhau: Bảo hiểm, nước sạch, sắp tới còn là xử lý nước thải và chống ngập. Những lĩnh vực kinh doanh này đâu mang tính bổ trợ cho nhau?
Thực ra ngay từ đầu, sinh ra tôi đã làm những việc chả liên quan. Tôi học sư phạm văn, sau 3 năm làm giáo viên dạy văn thì ra làm bảo hiểm, sau đấy lại làm liên quan đến xử lý môi trường… Tôi cho là khi làm một cái gì đấy, mình có mục đích, có định hướng, mục đích tốt sẽ dẫn đến con đường đi rất tốt.
Ví như tôi muốn làm cái gì, ngoài việc phục vụ bản thân thì cũng phải mang một ý nghĩa, giá trị cho cộng đồng. Mình sống còn nhìn đến cả những đứa con của mình nữa, để các con sẽ học được những gì trong đó.
Chúng ta không phải cứ xách con thảy đến trường, để các con cho thầy cô là xong. Đến trường con chỉ học chữ, học kiến thức, còn học làm người phải học từ chính từ bố mẹ. Tất cả những cái từ bước đi, tình cảm vợ chồng, đối nhân xử thế bên ngoài và ở ngay với những người thân của mình, bao giờ tôi cũng nghĩ đến các con.
Ví như bảo hiểm là lĩnh vực mang tính nhân văn, các con tôi hỏi "Sao mẹ không biết gì về bảo hiểm mà vẫn làm?", tôi trả lời "Không hiểu thì mẹ sẽ học. Mà cái quan trọng, người lãnh đạo là người hút được người giỏi về làm với mình. Người lãnh đạo tốt là người có sự lan tỏa tới cộng đồng, chứ không phải đong đếm xem "tôi kiếm được bao nhiêu tiền"".
Bà có nói người lãnh đạo giỏi là người biết thu hút người giỏi về với mình. Vậy bà làm thế nào thu hút nhiều người giỏi về làm việc trong các công ty của bà?
Hai vợ chồng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng: "Đỉnh cao nói dối là nói thật". Câu ấy cứ ở trong đầu tôi mãi. Tại sao mình phải sống 2 mặt? Tại sao mình phải sống không thật? Mình chỉ có một cuộc đời, cho nên tốt nhất là sống thật, mở lòng với anh em, minh bạch với mọi người.
Để họ thấy rằng về với tôi, ngoài vấn đề trang trải cuộc sống, các bạn đang đóng góp để xây dựng cho một đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, cho con người Việt Nam, bao gồm cả người thân của mình, có một sức khỏe tốt, cuộc sống tốt hơn, kể cả người thân của mình nữa. Tại sao không?
Một người lãnh đạo giỏi sẽ khơi gợi cho các bạn ấy vươn tới một sứ mệnh lớn hơn, vượt ra ngoài cuộc sống hiện hữu với miếng cơm manh áo cho chính bản thân mình, cho gia đình mình, thì cái to lớn hơn là cho dân tộc mình, cho người Việt mình. Điểm mấu chốt là cho họ một niềm tin và một điểm tựa vững chắc khi về với mình, và điều quan trọng nhất vẫn là phải cởi mở và sống thật với nhau.
Bà có thể chia sẻ một chút về dự án khởi nghiệp LIAN? Đâu là điều bà tự hào nhất về ứng dụng bảo hiểm này?
Tất cả mọi quy trình đều không dùng giấy tờ.
Điều đặc biệt nữa, khách hàng trước nay rất bức xúc câu chuyện "khi tôi mua bảo hiểm và khi yêu cầu bồi thường tôi cảm giác như đi xin". Các đơn vị bảo hiểm khi trả tiền bồi thường như "đi cho", trong khi khách hàng đang đòi hỏi quyền lợi chính đáng - những cái họ đã mua và cam kết trong hợp đồng, với việc đòi hỏi đi lại nhiều lần và nhiều thủ tục giấy tờ bồi hoàn.
Giờ chúng tôi gói gọn việc mua bảo hiểm trong 1ph, trả bảo hiểm trong 30 giây. Thủ tục xong xuôi khách hàng ấn nút là tiền chảy vào tài khoản.
Mua trong 1 phút và bồi thường bảo hiểm trong 30 giây? Với thời gian xử lý nhanh như vậy, bà không lo ngại khách hàng sẽ lợi dụng kẽ hở để trục lợi?
Thực ra làm bất cứ lĩnh vực gì cũng có những rủi ro. Nhưng tôi tính toán rủi ro chỉ là số rất nhỏ. Rất ít người làm như thế chứ không phải cả xã hội. Nếu mình cứ nhăm nhăm nhìn vào vấn đề làm xong sợ xảy ra trục lợi rồi không làm nữa, thì chắc chắn mình không làm được.
Tôi đang nhìn ra cả thị trường và tôi thấy được đạo đức của người Việt. Tôi nghĩ những người đi trục lợi bảo hiểm rất ít. Đấy là điều đầu tiên tôi nhìn nhận.
Điều thứ hai, chúng tôi có công cụ để kiểm soát vấn đề trục lợi bảo hiểm. Đó là bí mật trong ngành để khi xảy ra sự cố chúng tôi có thể kiểm soát được tình hình.
3 năm làm giáo viên dạy văn có giúp ích gì cho bà trên thương trường?
Trong cuộc đời, mỗi một cái đều có giá trị cộng hưởng, tác động qua lại lẫn nhau. Ví như nghề giáo, thứ nhất, tôi được học trong trường môn tâm lý trong 3 năm.
Với kiến thức được học, khi nhìn nhận nhân sự của mình, mình đặt các bạn vào đúng vị trí để các bạn phát huy được hết cái khả năng bẩm sinh và thiên phú của từng người, để các bạn tỏa sáng được trong lĩnh vực của mình.
Thứ nữa, yếu tố tâm lý cũng giúp tôi tăng cường cái gọi là "giác quan thứ sáu". Linh cảm của tôi rất tốt. Nhìn một người sẽ biết được người đó là con người thế nào, tính tình ôn hòa ra sao, để tôi có thể phát huy được điểm mạnh trong con người người đó.
Sư phạm dạy người, mà tôi lại dạy văn, văn cũng chính người, chính cái ấy bổ trợ cho tôi rất nhiều trong quản trị doanh nghiệp. Tôi vẫn nói nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.
Giờ bà đã ở độ tuổi "bà ngoại" - U60 rồi, có thời khắc nào bà nghĩ tới chuyện nghỉ hưu?
Nhiều khi tôi đùa rằng không biết lúc 80 tuổi sẽ thế nào. Có thể thời gian sẽ ảnh hưởng tới dung mạo, bề ngoài sẽ không còn như bây giờ, nhưng tôi tin tâm hồn và nhiệt huyết chắc sẽ không có gì thay đổi.
Mà sao lại về hưu? Trong bất kỳ giai đoạn nào của một đời người, ở bất kỳ một lĩnh vực nào, mỗi cung bậc tuổi tác đều có giá trị riêng của nó.
Ở tuổi U60, với "cái đầu" của tôi, trải nghiệm của tôi, cộng với năng lượng và nhiệt huyết của các em ở tuổi hai mươi mấy, ba mươi mấy, rõ ràng nếu tạo nên sức mạnh cộng hưởng sẽ dữ dội lắm. Cho nên tôi nghĩ không có giới hạn về câu chuyện tuổi tác để nghỉ hay không nghỉ. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện về hưu.