Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, nắng hạn ngày càng gay gắt trong những tháng vừa qua đã làm nước trong nội đồng khô cạn, chênh lệch mực nước thượng, hạ lưu rất cao (trung bình 3.0m). Điều này khiến hàng loạt cống ngăn mặn xây dựng theo công nghệ mới luôn trong trạng thái nguy hiểm, không đảm bảo ổn định.
Mực mặn nước bên ngoài hệ thống cống thủy lợi bảo vệ vùng ngọt đang gây bất lợi cho kết cấu của từng cống. Ảnh: Hoàng Hạnh.
“Có 33 cống thủy lợi bao ngoài vùng ngọt hóa của tỉnh, với nguồn vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đang đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng của nắng hạn. Chúng tôi đã kiến nghị Sở NNPTNT thành lập đoàn chuyên môn đi hiện trường kiểm tra, để tìm giải pháp xử lý nhằm đảm bảo công tác chống hạn mùa khô năm nay đạt hiệu quả” – ông Nam thông tin thêm.
Hiện tại đã có một số cống ngăn mặn đưa vào vận hành khai thác thời gian dài, đến nay có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng và các đập của cống trong tình trạng chịu áp lực nước từ bên ngoài sông rất lớn như: Cống Minh Hà, Công Nghiệp, Rạch Lùm, Rạch Nhum, Rạch Ruộng…theo nhận định của các chuyên gia các cống này có khả năng sẽ mất ổn định trong thời gian tới.
Sự cố cống Trùm Thuật Nam khiến ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau phải tốn kém nhiều chi phí, nhân lực cho việc khắc phục, sửa chữa. Ảnh: Hoàng Hạnh.
Trên thực tế, sự cố đã xảy ra với Trùm Thuật Nam vào ngày 14/1 vừa qua, khiến nước mặn tràn qua bản đáy của cống. Theo kết quả kiểm tra hiện trường, xác định nguyên nhân sơ bộ ban đầu là do thời tiết hạn hán, nên mực nước chênh lệch quá lớn giữa phía sông và phía đồng cống Trùm Thuật Nam, dẫn đến nước hình thành hố xói làm nước mặn chảy qua bản đáy cống vào phía trong của vùng ngọt.
Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, trước thực trạng trên, đơn vị đã dùng nhiều biện pháp để khắc phục sự cố có hiệu quả, tiết kiệm được ngân sách.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, để đảm bảo tính an toàn về lâu dài, ngành thủy lợi cần nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương để đưa ra các giải pháp xử lý triệt để.
“Nếu chúng ta không có giải pháp căn cơ lâu dài, nước mặn sẽ phá vỡ hệ sinh thái ngọt còn lại của Cà Mau” - ông Nam bày tỏ quan ngại.