Theo đó, mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP của HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm triển khai tại địa bàn hai ấp Ông Muộn và ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm, do ông Nguyễn Trần Thức - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau làm chủ nhiệm, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau chủ trì. Sau thời gian dài triển khai, đến nay, có 16 hộ dân trên địa bàn tham gia với tổng diện tích sản xuất là 5ha.
Nông dân thu hoạch cà chua trồng theo quy trình kỹ thuật VietGAP (Ảnh: Chúc Ly).
Qua thực hiện mô hình, các hộ tham gia đã thực hiện canh tác 5 loại rau theo quy trình kỹ thuật VietGAP, như: cải xanh, rau muống, dưa leo, khổ qua, cà chua. Năng suất bình quân đạt khoảng 8,5 tấn/ha với tổng thu nhập hơn 120 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, người dân thu lợi nhuận gần 77 triệu đồng/ha.
Rau màu sản xuất theo hướng VietGAp tại HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm (Ảnh: Chúc Ly).
Ông Nguyễn Trần Thức - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, cho biết: Mô hình được thực hiện từ tháng 4.2017, qua thời gian đi vào sản xuất đã chứng minh hiệu quả khá tích cực, rau phát triển tốt, năng suất cao hơn so với phương pháp trồng truyền thống. Bên cạnh đó, còn giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Thanh với mô hình rau an toàn của gia đình (Ảnh: Chúc Ly).
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Chí Thanh (ngụ ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm) cho biết: Gia đình tôi có gần 1,3ha đất tham gia vào mô hình, với đủ 5 loại rau màu. Qua sản xuất, tôi nhận thấy canh tác theo hướng VietGAP giúp nhẹ công chăm sóc hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi được hướng dẫn sử dụng phân theo đúng quy trình, từ đó giúp giảm chi phí từ 20 – 30%.
Nông dân giảm được chi phí sản xuất từ 20-30% khi áp dụng mô hình (Ảnh: Chúc Ly).
“Những nông dân khi tham gia vào mô hình được hỗ trợ 50% chi phí và sẽ được các ngành chuyên môn hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn rau an toàn. Sắp tới sản phẩm của xã viên sẽ được HTX bao tiêu thu mua, nên tôi rất phấn khởi, từ đó yên tâm sản xuất hơn” - anh Thanh phấn khởi nói.
Mô hình thực nghiệm rau an toàn tại HTX dịch vụ ông nghiệp Lý Văn Lâm (Ảnh: Chúc Ly).
Theo tính toán, trồng rau màu theo hướng VietGAP sẽ giúp người nông dân tăng lợi nhuận từ 15 – 20%. Vùng sản xuất của xã Lý Văn Lâm mỗi năm sẽ cung cấp cho người tiêu dùng khoảng 280 tấn rau màu. Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị cho nông sản của Cà Mau trên thị trường, đặc biệt là đối với các kênh phân phối lớn, có uy tín.
Ông Nguyễn Đông Dương - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm nhận giấy chứng nhận mô hình sản xuất rau màu an toàn đạt chuẩn VietGAP (Ảnh: Chúc Ly).
Nói về định hướng tới đây để phát triển vùng rau màu an toàn, ông Nguyễn Đông Dương - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm, thông tin: Thông qua hợp đồng bao tiêu thu mua cho người dân thì HTX sẽ liên kết với doanh nghiệp nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ liên kết xây dựng chuỗi cửa hàng, điểm bán lẻ phân bố đều khắp các xã, phường trên khu vực TP.Cà Mau. Mục tiêu trong năm 2018, đơn vị sẽ xây dựng được 5/9 điểm bán lẻ, đồng thời, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng rau đạt chuẩn VietGAP lên thành 10ha.