Ghi nhận vào đêm 1.11, tại xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, nơi có cửa biển Hố Gùi nằm về phía Đông của tỉnh Cà Mau, hiện công tác phòng chống lụt bão vẫn đang tích cực triển khai.
Clip: Người dân ám ảnh cơn bão “thế kỷ” Linda 20 năm trước
Theo đó, hiện nay, các đội tàu cứu hộ đã chủ động sẵn sàng khi có tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời, các lực lượng vẫn đang khẩn trương vận động người dân chằng chống nhà cửa, nhất là tại các vùng ven biển. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân gia cố bờ bao vuông tôm tại những nơi xung yếu, đề phòng nước dâng cao trong đêm.
Lực lượng trực ứng phó ATNĐ xã Nguyễn Huân họp điểm lạu một số nôi dung (Ảnh: Chúc Ly)
Ông Phan Văn Trung (ngụ ấp Vàm Đầm, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi), cho biết: Nhà tôi đã được chằng chống cần thận. Sau bài học đau thương từ cơn bão Linda 20 năm trước, giờ người dân đã có ý thức cao trong phòng chống thiên tai.
“Tuy nhiên tình hình thời tiết trong 2 ngày gần đây cũng khiến chúng tôi lo sợ. Vì nhà tôi nằm cặp mé sông nên nếu có cơn bão lớn như 20 năm trước chắc chắn sẽ có thiệt hại nặng. Cầu mong lịch sử sẽ không lặp lại để người dân đỡ khổ” - ông Trung chia sẻ.
Người dân xã Nguyễn Huân chuẩn bị lương thực (Ảnh: Chúc Ly).
Còn ông Phan Văn Phến (ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân), chia sẻ: ATNĐ mấy ngày này khiến cho bà con liên tưởng tới cơn bão “thế kỷ” Linda 20 năm trước. Cũng đúng ngày hôm nay (2.11) cơn bão đã quét qua tỉnh Cà Mau gây ra bao mất mát, đau thương. Chúng tôi hiện rất lo lắng và mong rằng ATNĐ sẽ qua đi, không thành bão để người dân đỡ khổ.
Lực lượng dân phòng phát loa yêu cầu người dân chú ý chằng chống, chủ động ứng phó ATNĐ (Ảnh: Chúc Ly).
“Tuy không có mưa nhưng thấy trời cứ âm u, diễn biến thất thường khiến người dân ở đây rất lo vì cũng gần giống như diễn biến của 20 năm trước khi cơn bão Linda ập vào” - chị Trần Thì Giàu (ngụ cùng ấp Mai Hoa) bộc bạch.
Theo UBND xã Nguyễn Huân (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau): Tại cửa biển Hố Gùi có 81 phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản đã được vận động vào bờ tìm nơi trú tránh an toàn. Khu vực ven biển thuộc địa bàn xã có khoảng 1.300 người, hiện công tác chuẩn bị ứng phó với ATNĐ đã hoàn tất. Xã có 4 tàu cứu hộ, cộng thêm 1 tàu có sức chứa khoảng 30 người do Đội Thanh tra chuyên ngành Hố Gùi hỗ trợ khi có trường hợp khẩn cấp.
Đội Thanh tra chuyên ngành Hố Gùi (Chi Cục Thủy sản tỉnh Cà Mau) sẵn sàng ứng cứu khi có tình hình nguy cấp (Ảnh: Chúc Ly).
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân, thông tin: Trong trường hợp khẩn cấp, xã đã bố trí 4 điểm di tản tàu thuyền; sơ tán dân thì tại các điểm trường, trụ sở UBND xã, đảm bảo an toàn cho người dân.
Trước đó, Ban Chỉ huy phòng, chống và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau đã ra thông báo không cho tàu ra biển từ 18 giờ ngày 1.11. Đồng thời thống nhất phương án cho học sinh bậc tiểu học và mầm non nghỉ học vào ngày 2.11 tại những khu vực nguy hiểm, đặc biệt là tại các xã ven biển.
Trường tiểu học Hố Gùi (xã Nguyễn Huân) đóng cửa, cho học sinh nghỉ học (Ảnh: Chúc Ly).
Cũng theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Cà Mau cho biết, tính đến 17 giờ ngày 1.11, đã liên lạc được thêm 128 tàu cá, với 836 thuyền viên, còn 28 tàu còn lại với 171 thuyền viên chưa liên lạc được. Lực lượng Bộ đội biên phòng đang tăng cường công tác thông tin liên lạc, kết hợp với gia đình xác định vị trí, kịp thời vào bờ hoặc vượt ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện đã có hơn 3.400 tàu, với gần 16.000 ngư dân vào bến, neo đậu an toàn tại các bến trong tỉnh. Đồng thời, không còn người trực canh ở lại trên các vị trí đáy hàng khơi.
Tàu thuyền tại cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đã vào nơi trú tránh an toàn (Ảnh: T.H).
Hiện các đoàn công tác của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cũng đã có mặt tại các cửa biển lớn để chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và xử lý các tình huống xảy ra khi áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền.
Trong khi đó, sáng nay (2.11), ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết: Lúc 21 giờ 30 tối qua, Ban Chỉ huy đã yêu cầu các địa phương tuỳ tình hình thực tế mà có thể tạm dừng công tác di dời dân. Tuy nhiên, cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, thực hiện đồng bộ, nghiêm túc công tác chuẩn bị ứng phó, không chủ quan, lơ là, đề phòng những diễn biến xấu.
Cũng theo ông Hoai, sáng sớm nay, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau đã suy yếu thành một vùng áp thấp. Tuy nhiên, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh thêm và có khả năng thành bão.