Lồng ghép tốt các chương trình, dự án
Trong quá trình xây dựng NTM, huyện Cái Nước xác định nông nghiệp - nông dân - nông thôn là cơ sở, là lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Để tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư, huyện đã ban hành một số chính sách thu hút và phân bổ vốn đầu tư cho nông thôn. Các chính sách tập trung vào việc tạo sức hấp dẫn đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính, ưu tiên các nguồn vốn ngân sách cho phát triển kinh tế xã hội nông thôn.
Kinh tế nông thôn có bước phát triển, các hình thức sản xuất tiếp tục được đổi mới thông qua chương trình xây dựng NTM ở Cái Nước. Trong ảnh, nhiều hộ nông dân của huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau gần đây có thu nhập khá nhờ thả nuôi cua...Ảnh: Chúc Ly.
Theo đó, việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn huyện trong những năm qua được thực hiện có hiệu quả trong xây dựng NTM như chương trình về xóa đói giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường,... Đặc biệt là đề án giảm nghèo và thu hút nguồn nhân lực thí điểm tại xã Tân Hưng Đông và Đông Thới. Những chương trình trên đã tác động tích cực đến thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện.
Ngoài ra, huyện tích cực thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn. Các hộ dân tham gia Chương trình 135 bước đầu đã áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất, bước đầu tăng thu nhập cho kinh tế hộ, qua đó tích cực vào công tác lập kế hoạch trung hạn và hàng năm về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế của Chương trình.
Tận dụng lợi thế, nâng cao thu nhập
Giai đoạn 2016 - 2020 triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, huyện đã đạt được những kết quả quan trọng: Kinh tế của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt.
Kinh tế nông thôn có bước phát triển, các hình thức sản xuất tiếp tục được đổi mới; kinh tế tập thể, kinh tế hộ chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế tốt như nuôi cua trong vuông tôm, trồng bồn bồn trên đất trũng nhiễm mặn, nhiễm phèn... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; mạng lưới trường học cơ bản được xây dựng kiên cố, bán kiên cố….
Tận dụng lợi thế, nông dân Cái Nước thu nhập ổn định từ trồng cây bồn bồn. Cây bồn bồn trước kia là một trong những loài cỏ dại mọc hoang hóa, nhưng nay được nông dân đưa vào trồng ở những khu ruộng trũng, ruộng nhiễm phèn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đọt bồn bồn đã trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng đất huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, Ban Chỉ đạo huyện đề nghị cấp cơ sở xã, ấp đưa ra dân bàn bạc thực hiện quyền tự chủ của người dân và cộng đồng trong xây dựng các công trình công cộng, trong công việc thực hiện 13 nội dung trong 19 tiêu chí mà người dân trực tiếp thực hiện, được nhân dân hưởng ứng và đồng thuận cao.
Đồng thời, huyện đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu như nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn; tôm thâm canh; nuôi tôm siêu thâm canh, nuôi cá chình,nuôi cá bống tượng và các loại hình xen canh khác... được người dân áp dụng có hiệu quả đem lại thu nhập kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Nhân (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho hay: “Cây bồn bồn dễ trồng nhưng lại cho hiệu quả cao, ổn định. Hiện bồn bồn tươi có giá trung bình khoảng 30.000 đồng/kg; với mức giá này nông dân đã có lãi khá. Ở vùng này, trồng bồn bồn là phương án sản xuất hiệu quả và bền vững, người dân còn có thể kết hợp nuôi thêm cá trong ruộng bồn bồn...”.
Nuôi trồng thủy sản là thế mạnh của huyện Cái Nước. Trong ảnh: Nuôi tôm nâng suất cao ở Hợp tác xã Tân Hưng. Ảnh: TM.
Đối với tiêu chí sản xuất, huyện kiến nghị Nhà nước cần có chính sách thu hút, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu sản xuất nông nghiệp, thủy sản tập trung, xây dựng chợ nông thôn, hạ tầng khu dân cư tập trung; hỗ trợ tín dụng để nhân dân vay vốn phát triển sản xuất; thu hút nguồn nhân lực về công tác tại xã; chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công; chính sách đầu tư vào các lĩnh vực bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn; chính sách đào tạo nguồn nhân lực…
Ông Phạm Phúc Giang - Chủ tịch UBND huyện Cái Nước cho rằng: “Chương trình xây dựng NTM là một chương tình thực tế, có ý nghĩa lớn, tác động tích cực ở nhiều mặt đối với kinh tế, chính trị, xã hội địa phương. Nếu thực hiện tốt chương trình này thì bộ mặt nông thôn, nhất là về cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, chương trình liên kết với nhiều chương trình khác, từ đó hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn, khoa học công nghệ tốt hơn, nâng cao thu nhập”.
Cũng theo ông Giang, thế mạnh của huyện Cái Nước là nuôi trồng thủy sản, bên cạnh việc dựa vào điều kiện sẵn có để phát triển sản xuất, nhiều nông dân đã áp dụng các mô hình kết hợp mang lại hiệu quả cao. “Riêng cây bồn bồn là sản phẩm đặc thù của địa phương, tuy diện tích chưa lớn nhưng những hộ dân trồng loại cây này có thu nhập ổn định, hiện diện tích bồn bồn của huyện khoảng 200ha” - ông Giang thông tin thêm.
Qua rà soát các xã trên địa bàn huyện Cái Nước, đến cuối năm 2019 có 3/10 đạt chuẩn NTM (Phú Hưng, Hưng Mỹ và Hòa Mỹ), mức đạt bình quân 15,8 tiêu chí. Ước thực hiện đến cuối năm 2020 có 5 xã đạt NTM (thêm 2 xã đạt NTM Trần Thới và Thạnh Phú), ước đạt bình quân 17,5 tiêu chí. |