Xuất khẩu cầm chừng
Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong quý I/2020, sản lượng xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 15.590 tấn, giảm 12% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 145,6 triệu USD, giảm 18% so cùng kỳ (tính đến ngày 15/4, lũy kế ước đạt 170,6 triệu USD, bằng 14,2% kế hoạch).
Điều đáng lo ngại là kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chủ yếu của tỉnh Cà Mau sụt giảm, cụ thể tính đến ngày 15/4, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ giảm 67%, Trung Quốc giảm 58%, Nga giảm 37%... (chủ yếu xuất khẩu trong tháng 1, tháng 2 và một số đơn hàng ký từ trước còn tồn sang tháng 3; các công ty hầu như không ký được các hợp đồng xuất khẩu mới).
Hiện nay hầu hết các DN đang duy trì hoạt động để tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân và giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ. Ảnh: CTV.
Trong khi đó, theo Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, các DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhất là DN chế biến và xuất khẩu đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Hiện nay hầu hết các DN đang duy trì hoạt động sản xuất để tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân và giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ.
Theo ông Trần Văn Trung – Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thuỷ sản và xuất nhập khẩu Anh Khoa, quý I/2019, công ty xuất hàng qua thị trường Trung Quốc khoảng 10 triệu USD. Còn ở quý I/2020, công ty chỉ bán được 450.000 USD. Hiện công ty đang tồn 400 tấn tôm sú, tương đương 150 tỷ đồng và không còn kinh phí để thu mua tôm trong dân.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 68 DN tham gia xuất khẩu, trong đó có 29 DN có nhà máy chế biến thủy sản (39 nhà máy, tổng công suất 185.000 tấn/năm và trên 20.000 công nhân, lao động).
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu hết DN này gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh. Lượng hàng tồn kho và lưu kho của các DN chế biến khoảng 17.000 tấn (trong đó lưu kho khoảng 6.000 tấn), chiếm khoảng 70 - 75% sức chứa của các kho trên địa bàn, tổng giá trị hàng hóa ước tính 147 triệu USD.
Trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau nhận định, đối với trường hợp dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 5/2020, các DN chế biến thủy sản vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, thu mua sản xuất tạm trữ số lượng lớn, hầu như DN không có nguồn tài chính để thu mua tôm tiếp tục chế biến.
Dự báo sản lượng chế biến trong tháng 5 sẽ giảm khoảng 40% so với tháng 4, đến cuối tháng 8 mới có thể lấy lại đà tăng trưởng và trong quý IV/2020 sản lương chế biến tôm tăng trưởng trở lại.
Trong trường hợp dịch bệnh kết thúc vào cuối quý II hoặc cuối quý III, các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản phải đối diện với nhiều khó khăn hơn như: Sản lượng tồn kho lớn, không còn khả năng tài chính thu mua tôm nguyên liệu, gánh nặng chi phí ngày càng tăng dẫn đến việc cắt giảm mạnh lao động...
Nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm giá tôm sú, thẻ, chân trắng biến động. Theo ngành chức năng tỉnh Cà Mau, hiện giá tôm nguyên liệu trên thị trường liên tục sụt giảm mạnh với mức dao động từ 20.000-70.000 đồng/kg so với trước khi phát sinh dịch bệnh; một số DN, thương lái thông báo ngừng mua hoặc mua với giá thấp. Dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Nhiều nông dân lo lắng dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng đến xuất khẩu, khiến giá tôm tiếp tục giảm. Ảnh: CTV.
Ông Trần Văn Tòng (ngụ xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi), cho hay: “Giá tôm nguyên liệu liên tục sụt giảm từ sau Tết khiến nông dân lo lắng; đặc biệt nhiều người nuôi tôm công nghiệp, thâm canh không dám thả nuôi. Trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp như hiện tại, người dân cần ngành chức năng đồng hành để có những khuyến cáo cho sản xuất, nhất là về lịch thời vụ, giá cả”.
Hiện, giá tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg dao động 130.000 – 170.000 đồng/kg, giảm khoảng 25 - 40% so cùng kỳ. UBND tỉnh Cà Mau nhận định, các DN, thương lái ngừng mua hoặc hạn chế mua thủy sản với giá thấp, kết hợp với tình trạng một bộ phận người dân dừng thả nuôi do ảnh hưởng của hạn hán gây nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu khi hết dịch, thị trường được phục hồi.
Trong khi đó, theo ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, giá thành nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh của người dân còn quá cao. Giá tôm giảm mạnh như hiện nay, nông dân sẽ không có lãi hoặc thua lỗ.
Do đó, giải pháp trước mắt là nông dân cần chọn lựa phương án thu hoạch tôm phù hợp. Trường hợp tôm nuôi không đạt, nông dân nên thu hoạch sớm để không bị thua lỗ. Nếu tôm đang ở giai đoạn còn nhỏ và phát triển tốt thì nên tiếp tục nuôi tôm lên kích cỡ lớn hơn để bán với giá cao hơn.
Giá tôm bấp bênh khiến nông dân e ngại xuống giống sẽ gây nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu. Ảnh: Chúc Ly.
Trước diễn biến khó khăn của xuất khẩu tôm, tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ sớm xem xét có gói tín dụng cho vay ưu đãi hỗ trợ DN để thu mua, tạm trữ nguyên liệu, hàng tồn kho thuỷ sản cho nông dân và đầu tư nâng công suất hệ thống kho lạnh bảo quản thuỷ sản.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thêm lãi suất từ ngân sách nhà nước cho DN (hiện các ngân hàng chỉ hỗ trợ giảm từ 0,5-1% lãi suất cho vay); riêng đối với DN có quy mô nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cho vay với lãi suất ưu đãi 0%.
Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách bù giá thu mua tôm nguyên liệu để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất; chủ động triển khai ngay từ bây giờ chính sách khuyến khích xuất khẩu khi kiểm soát được dịch Covid-19.
Song song đó, Cà Mau kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương theo dõi sát tình hình sản xuất, lưu thông nông sản trong nước để kịp thời thông báo đến các DN và người dân chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất.