Trước đó, khoảng 6h30 phút ngày 19/3, tuyến đê biển Tây đoạn đi qua Kênh Mới hướng về Đá Bạc (cách cống Kênh Mới khoảng 800m, địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) có hiện tượng sụt lún về phía biển với chiều dài khoảng 30m, chiều sâu 8-10cm.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, đến thời điểm này tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc - Kênh Mới đã sụt lún 240m và nguy cơ sụp lún trên 4.000m.
Trước đó, vào rạng sáng 18/2, đê biển Tây cũng bị sụt lún mặt đường với chiều dài khoảng 100m. Độ lún sâu vào đất trước và sau chênh lệch từ 1,8-2m.
Điểm sạt lở tại tuyến đê biển Tây bị sạt lở vào ngày 18/2 vừa qua. Ảnh: CL.
Đến ngày 23/2, vào khoảng 7 giờ đoạn tiếp giáp đoạn sụp lún trên tiếp tục bị sụt lún. Vụ sụt lún khiến 90m đường bê tông hư hỏng nặng. Tại hiện trường, độ sụt lún từ 1,2 - 1,8m có chiều dài khoảng 60m và diện tích còn lại có độ sụt lún từ 0,5 - 0,7m.
Trước đó, tỉnh Cà Mau có đưa ra phương án sẽ đào một con kênh trữ nước khác nằm cặp dự án tái định cư đê biển Tây. Phần đất đào lên sẽ dùng để lấp đầy con kênh hiện tại nằm dọc theo chiều dài công trình đê biển Tây, đoạn Đá Bạc đến cống Kênh Mới.
Trường hợp không đủ đất, tỉnh sẽ bơm thêm một lượng bùn bổ sung để lấp đầy kênh. Mặt khác, kênh mới đào sẽ đảm nhiệm việc trữ nước cho vùng sản xuất phía trong đê và giúp lưu thông thủy của bà con.
Được biết, dự án nâng cấp đê biển Tây từ Tiểu Dừa (giáp ranh với tỉnh Kiên Giang) đến Cái Đôi Vàm dài trên 72km, nguồn vốn trên 1.690 tỷ đồng. Đoạn bị sụt lún đưa vào sử dụng khoảng cuối năm 2018 và còn trong thời gian bảo hành.
Hạn hán thời gian qua đã làm sụt lún 1.120 tuyến đường của tỉnh Cà Mau, với tổng chiều dài hơn 23.800m. Trong đó, có 1.115 tuyến, vị trí sụp lún đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 23.500m. Trong đó, huyện có số vụ sụt lún nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời với 712 vị trí, chiều dài hơn 13.100m lộ bê tông và hơn 10.300m lộ đất đen. |