Hội thảo do Cục Trồng trọt phối hợp cùng UBND tỉnh Cà Mau và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức vào ngày 11/2 tại tỉnh Cà Mau.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, thông tin: Trong quá trình hợp tác giữa FAO và Việt Nam, ở lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức FAO đã tích cực hỗ trợ các chương trình, dự án và đem lại thành quả nổi bật.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt chủ trì hội thảo. Ảnh: Chúc Ly.
Cũng theo ông Cường, ngày 11/1/2019, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc chính thức với ông Albert T. Lieberg - Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, để rà soát lại và đánh giá khung hoạt động 2017-2021. Trong quá trình làm việc, 2 bên đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh nội dung phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam dựa trên lợi thế và tiềm năng.
Cụ thể hóa chủ trương trên, các đơn vị có liên quan đã tiến hành xây dựng dự án kết hợp hệ thống nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái cho nông hộ nhỏ tại các tỉnh phía Nam sông Mekong.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Ảnh: CTV.
“Chúng tôi hy vọng rằng khi dự án được triển khai thực hiện tốt sẽ đem lại sinh kế bền vững cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở ĐBSCL. Tôi mong muốn, các đại biểu có thêm đóng góp cho khung hoạt động của dự án, kế hoạch dự án, đặc biệt hợp tác trong quá trình thực hiện dự án, để làm sao đạt được kết quả như mong muốn” - ông Cường nhấn mạnh.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Thức cho biết: Năm 2018, chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp thực hiện thí điểm mô hình nông nghiệp hữu cơ, với 50ha thực hiện tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Thời gian đầu thực hiện, chúng tôi gặp nhiều khó khăn do nông dân chưa quen và thích nghi với mô hình. Đến năm 2019, chúng tôi đã phối hợp 3 doanh nghiệp để nhân rộng và xây dựng mô hình vùng nguyên liệu sản xuất lúa tôm hữu cơ. Đến nay, đã có 380ha lúa hữu cơ đạt các tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Trần Thức chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Chúc Ly.
Cũng theo ông Thức, khi phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các mô hình, ngành chức năng tổ chức thực hiện theo chuỗi khép kín. Phải có một doanh nghiệp tham gia đầu tư từ đầu đến cuối và bao tiêu sản phẩm; cơ quan quản lý nhà nước tập trung hỗ trợ cho chuỗi giá trị này.
“Chúng tôi đã lấy thử mẫu lúa gạo ở Cà Mau để phân tích. Kết quả có 23/37 mẫu không bị nhiễm dư lượng thuốc, 14/37 mẫu có nhiễm nhưng dưới ngưỡng quy định (phân tích theo thông tư 50 của Bộ Y tế và một số tiêu chuẩn Châu Âu). Trên đất mặn của Cà Mau có rất nhiều khoáng vi lượng làm cho chất lượng gạo ngon, vị ngọt và đậm đà, giữ được mùi thơm” - ông Thức nhận định.
Theo đại diện FAO tại Việt Nam, dự án kết hợp hệ thống nông nghiệp hữu cơ và du lịch sinh thái cho nông hộ nhỏ tại các tỉnh phía Nam sông Mekong thực hiện trong thời gian từ 11/1/2020 đến 31/12/2021, với mục tiêu cải thiện sinh kế, an toàn thực phẩm và nâng cao thu nhập nông hộ nhỏ bằng giải pháp thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái.
Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm thăm mô hình sản xuất gạo sạch trên đất nuôi tôm của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và thủy sản Ông Muộn (ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau, Cà Mau). Ảnh: Chúc Ly.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái, các tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất, liên kết theo chuỗi, nhà nước phải hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua cơ chế chính sách; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chính quyền địa phương, thay đổi tập quán sản xuất, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, làm sao để người dân có trách nhiệm với những sản phẩm mình làm ra.
Bên cạnh đó, ngành chức năng phải thông tin kịp thời về biến đổi khí hậu để người dân nắm; xây dựng các quy trình sản xuất hữu cơ cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản để chuyển giao cho người dân; đào tạo nguồn nhân lực, tuyển chọn đội ngũ nông dân nòng cốt cho sản xuất hữu cơ;…