Nhiều loại hải sản cao cấp như cá mú, tôm hùm ế ẩm, giá giảm chưa từng thấy. Song có một nghịch lý là giá tại vựa nuôi rớt giá thê thảm nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao ngất do thương lái "chặt chém".
Cá mú Cam Ranh rớt giá mạnh, tồn 1.000 tấn
Theo người dân TP.Cam Ranh, vài tháng nay, việc tiêu thụ cá mú lai hay cá mú trân châu rất chậm do thương lái hạn chế thu mua, chỉ vài tạ đến 1 tấn. Giá cá mú cũng giảm rất mạnh. Năm ngoái, cá mú được thu mua ổn định, từ 160.000-200.000 đồng/kg. Nay, giá cá mú chỉ còn 90.000-120.000 đồng/kg.
Ông Lê Minh Hải, Trưởng Phòng Kinh tế TP.Cam Ranh cho biết trên Báo Dân Trí, hiện trên địa bàn, lượng cá mú tồn đọng khoảng 1.000 tấn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và ách tắc trong việc xuất sang Trung Quốc. Điều này khiến người nuôi ở TP.Cam Ranh khốn đốn.
Cá mú sống Cam Ranh (Ảnh: Dân Trí) |
Trước tình hình cá mú tồn đọng lớn, nhiều ngày qua, nhiều nơi tại TP.Nha Trang rộ lên chiến dịch “giải cứu cá mú Cam Ranh” với giá 159.000 đồng/kg.
Tôm hùm rớt giá ở vựa nuôi, người tiêu dùng vẫn bị "chặt chém"
Ông Luyện Văn H. - một chủ nuôi tại Khánh Hòa - cho biết, hiện giá tôm hùm tại các vựa nuôi rớt thê thảm, giảm tới 50%, thậm chí 60-70% vì không có đầu ra. Đây là mức giá chưa từng có. Cụ thể, tôm hùm xanh tại vựa nuôi giá 450.000-520.000 đồng/kg đối với loại 0,4-0,7 kg/con; loại nhỏ hơn 300 nghìn đồng/kg. Tôm hùm bông giá 700.000-800.000 đồng/kg loại dưới 1kg; 900.000 đến 1,2 triệu đồng/kg đối với loại dưới 1,5kg.
Không chỉ ở Khánh Hòa, nhiều địa phương khác ở Bình Định, Phú Yên,... giá tôm hùm cũng rớt thê thảm, mức bán buôn phổ biến 300-550 nghìn đồng/kg với tôm hùm xanh; 800.000 đồng/kg đến 1,2 triệu đồng/kg với tôm hùm bông.
Nghịch lý là dù giá thu mua tôm hùm tại vựa nuôi giảm mạnh, nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao gấp 2-3 lần. Tại nhiều cửa hàng trên địa bàn Hà Nội, giá bán tăng nhanh theo ngày, từ 680.000-990.000 đồng/kg đối với loại tôm hùm xanh, tôm hùm bông có giá từ 1,7-3,85 triệu đồng/kg.
Tôm hùm đất bỗng 'hot' trở lại, dân sành ăn săn lùng
Tôm hùm đất (tôm càng đỏ Cherax quadricarinatus) là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, gây hại tới hệ sinh thái. Dù đã bị cấm nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ từ năm ngoái nhưng hiện món tôm hùm đất sống bỗng dưng lại được dân sành ăn ráo riết lùng mua.
Tôm hùm đất nhỏ, ít thịt. (Ảnh: Dân Trí) |
Món ăn này có thể dễ dàng tìm thấy trên các trang mạng xã hội. Nếu mua tôm đã chế biến thì giá khoảng 200.000 đồng/3,5 lạng.
Nho dại, trám đen, rau mọc hoang thành đặc sản giá đắt
Loại nho rừng có màu đen, vỏ dày, quả tròn hiện được giới nội trợ Hà thành săn lùng khắp chợ mạng. Nhiều người còn mạnh tay đặt mua cả chục cân về ngâm rượu uống dần. Giá cho mỗi cân nho rừng từ 120.000-150.000 đồng.
Còn trám đen vốn là loại quả bình dị bao đời ở một số vùng quê bỗng “lên đời” trở thành đặc sản, được nhiều người tìm mua với giá cao, từ 120-150.000 đồng/kg. Quả trám đen hình thoi, có vị thơm, bùi, ngậy có thể được chế biến thành nhiều món ăn như trám kho, gỏi trám, xôi trám hoặc ngâm muối để ăn hàng ngày.
Lá lồm là loại rau rừng đặc sản của Hòa Bình |
Trong khi đó, lá lồm (hay còn gọi là lá nồm, lá giang) mọc hoang tự nhiên trong rừng vốn được người Hòa Bình lấy về xào thịt, nhúng lẩu. Hiện loại lá này có giá đắt đỏ nhưng vẫn được nhiều bà nội trợ thành phố chuộng.
Ớt gió nhỏ xíu, nhót bao tử giá cao vẫn đắt hàng
Loại ớt gió (ớt thóc) nhỏ xíu, vị cay dịu, đặc biệt thơm mùi thảo mộc đang là mặt hàng vô cùng đắt khách dù giá tới 350.000-1.000.000 đồng/kg. Đây là loại ớt được trồng nhiều ở Hà Giang, mùa vụ thu hoạch chỉ kéo dài khoảng 4 tháng. Ngoài ăn trực tiếp, người dân còn chế biến thành các sản phẩm như: ớt gió xóc muối, ớt ngâm dấm, ớt trưng nước mắm...
Nhót bao tử chẩm chéo là món ăn vặt "đắt như tôm tươi" |
Còn nhót bao tử vừa chua vừa chát làm chẩm chéo đang là món ăn vặt được chị em công sở thích thú. Dù có giá tới 400.000-800.000 đồng/kg, loại quả non này vẫn “cháy hàng”. Đây là nhót xanh trái vụ của miền Nam, đắt gấp cả chục lần nhót miền Bắc khi vào vụ.
Mít Thái tăng giá vù vù, bán 1 trái to thu hơn nửa triệu
Gần đây, giá mít liên tục tăng cao trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Hiện mít Thái loại I (hơn 8kg/quả) được thu mua tại vườn với giá 65.000-67.000 đồng/kg. Mít Thái loại II (dưới 8kg/quả) giá bán 50.000-55.000 đồng/kg. Giá mít Thái tăng bình quân hơn 25.000 đồng/kg so với thời điểm cách đây 10 ngày.
Theo nhiều thương lái, hiện sản lượng mít Thái còn khá ít, do mới vào vụ thu hoạch, trong khi nhu cầu tăng cao, nên giá bán mít Thái liên tục tăng.
Giá vé máy bay rẻ bèo
Nhân dịp mở lại đường bay đến/đi Đà Nẵng, các hãng hàng không tung ra nhiều mức giá ưu đãi kéo khách bay trở lại đây.
Chẳng hạn, giá vé rẻ nhất của Vietjet ngày 8/9 từ Hà Nội đi Đà Nẵng là 199.000 đồng/người (chưa gồm thuế, phí), chỉ tương đương giá vé của Vietnam Airlines là 509.000 đồng (đã gồm thuế, phí). Thậm chí, có ngày chiều về Đà Nẵng - Hà Nội, giá vé của Vietnam Airlines chỉ 409.000 đồng/người.
100.000 đồng/6 hộp hạt điều
Những quảng cáo bán hạt điều với giá "siêu rẻ" đang xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử. Nhiều nơi rao bán hạt điều Bình Phước với giá 100.000 đồng/6 hộp. Trong khi đó, hạt điều chất lượng cao giá thường trên 200.000 đồng/kg.
Hạt điều Bình Phước giá chỉ từ 100.000 đồng/6 hộp. (Ảnh: Zzing) |
Theo một số chủ hàng, mỗi buổi livestream có thể bán được hàng trăm hộp điều. Khi được hỏi nguồn gốc, chủ hàng khẳng định đây là hàng nhập từ xưởng ở Bình Phước.
Mức giá "siêu rẻ", quảng cáo hấp dẫn nên thu hút được rất nhiều người đặt mua. Nhưng khi nhận hàng, nhiều người không khỏi thất vọng vì hàng kém chất lượng. Đại diện một nhãn hàng phân phối hạt điều Bình Phước cho biết hạt điều chuẩn không thể có mức giá rẻ như trên. Hạt điều giá rẻ có thể là hàng tồn kho, chấp nhận bán rẻ để giải phóng hàng tồn, giảm lỗ và chủ yếu bán trên mạng xã hội.
Nấm ăn chay giá đắt như vàng được 'săn lùng'
Chị Thảo Hương - tiểu thương chuyên bán nấm ở Hà Nội - chia sẻ, khoảng 2-3 năm trở lại đây, cứ vào mùa ăn chay là giới nhà Việt lại tìm mua nấm Tùng Nhung. Giá cho mỗi cân nấm tươi có giá 18-20 triệu đồng, còn nấm khô là 30 triệu đồng/kg.
Lý giải về sự đắt đỏ, chị Hương thông tin, nấm Tùng Nhung là dòng mọc tự nhiên ở vùng núi sâu Nhật Bản. Loại nấm này có kích thước khá lớn, bào tử màu trắng, mũ hình chóp tròn, thân dày thịt và có mùi thơm tự gỗ thông. Và trong nấm có chứa khoảng 18 loại vitamin, sở hữu lượng lớn protein, vi khoáng và chất xơ.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)