Sở dĩ nhiều ngư dân Bình Định vươn khơi đánh bắt xuyên tết vì vào thời điểm này, luồng cá từ ngoài khơi bắt đầu có nhiều. Ra khơi cuối năm, về bến đầu năm mới, chuyến đi này luôn có ý nghĩa đặc biệt với người dân làng biển.
Tại Cảng cá Quy Nhơn (TP.Quy Nhơn), hàng chục tàu câu CNĐD của ngư dân tỉnh này vừa cập cảng, chủ yếu là các tàu hành nghề câu CNĐD vươn khơi đánh bắt thủy sản trong dịp trước Tết Nguyên đán đến nay.
Theo nhiều ngư dân, tàu khai thác đạt sản lượng trên 1 tấn CNĐD thì còn có lãi, còn tàu chỉ đánh bắt được 2-3 tạ cá thì không đủ tổn phí cho một chuyến biển. Bởi, thời điểm này giá CNĐD chỉ đạt từ 95.000 - 100.000 đồng/kg, điều này đã khiến nhiều chủ tàu khai thác xuyên Tết Nguyên đán Canh Tý kém vui.
Theo ngư dân Trần Công Thế (SN 1972, ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) - chủ tàu cá BĐ 98064 TS, CNĐD năm nay được các thương lái mua với giá 100.000 đồng/kg, trong khi năm 2019 giá cá từ 120.000-130.000 đồng/kg.
“Tàu tôi ra biển từ 17 tháng Chạp, sau gần 1 tháng khai thác, tàu thu hơn khoảng 1,2 tấn CNĐD (khoảng 30 con), ngoài ra còn có cá cờ, cá thu. Tính ra làm ăn cũng được, nhưng giá cá lại rẻ hơn khiến thu nhập cũng không được bao nhiêu” - ông Thế nói.
Giá cá ngừ đại dương giảm, khiến nhiều ngư dân Bình Định kém vui.(ảnh: Dũ Tuấn)
Ngư dân La Văn Minh (40 tuổi, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn), chủ tàu BĐ 98298 TS, công suất 750 CV cho biết: “Sau 25 ngày vươn khơi xuyên Tết Nguyên đán, tàu chúng tôi đánh bắt được 40 con CNĐD lớn nhỏ, đạt khoảng 1,3 tấn, và 2 tạ mực xà. Tổng thu khoảng 160 triệu đồng, chưa trừ phí tổn. Tết này bỏ vợ con ra khơi đánh bắt, đi gần cả tháng trời mà công sức anh em thuyền viên bỏ ra chẳng được bù đắp thấm vào đâu”.
Ông Trần Văn Phúc - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, toàn tỉnh này có gần 1.500 tàu cá công suất lớn bám biển đánh bắt xuyên tết. Hiện, có khoảng 1.000 tàu đã cập về cảng. |
Tàu cá BĐ 97755 TS của ngư dân Nguyễn Thành Dữ (40 tuổi, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) cũng cập Cảng cá Quy Nhơn với 30 con CNĐD đạt khoảng 1,2 tấn và 2 tạ cá dũa, cá thu… Theo ngư dân Dữ, sau khi trả tiền cho các thuyền viên, trừ các loại chi phí nhu yếu phẩm cho một chuyến biển thì tàu của ông cũng lời không đáng kể.
“So với tết năm ngoái, giá CNĐD đạt 130.000 đồng/kg, nếu đánh bắt trên 1 tấn là đã có lãi rồi. Hiện tại, như số CNĐD của tàu tôi bán được giá 97.000 đồng/kg, giảm hơn 30.000 đồng/kg nên 1 tấn cá ngư dân mất hơn 30 triệu. Rồi khi cân cân cá, mỗi con cá bị trừ khấu hao từ 1-3kg nữa, nói chung ngư dân chịu thiệt đủ đường” - ngư dân Dữ buồn buồn nói.
Tiền công thuyền viên thường phải trả trước mức tối thiểu 4-5 triệu đồng/người, vì vậy giá các loại thủy sản bấp bênh khiến người ảnh hưởng trực tiếp là các chủ tàu.
“Hiện lao động làm nghề biển thiếu nhiều nên thường muốn giữ bạn tàu thì phải trả trước tiền lương tối thiểu 1 tháng để họ lo cuộc sống gia đình. Sau 1 chuyến biển, nếu lãi nhiều thì tiền chia bạn thêm, còn ít chia ít. Nhưng có lỗ thì cũng phải trả lương vì họ không thể làm công không cho mình” - ông Nguyễn Thành Dữ cho hay.