Tại buổi làm việc về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) hôm 27/8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng áp dụng đầy đủ chế độ kế toán, chứng từ đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ cá nhân kinh doanh và thực hiện cơ chế tự khai, tự nộp theo quy định, hạn chế việc khoán thuế.
"Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng trong khi các hộ, cá nhân kinh doanh chưa thực hiện được chế độ kế toán thì việc ấn định thuế, khoán thuế vẫn cần thiết", ông Hà cho biết.
Trước đó, tại dự thảo Luật Quản lý Thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật quản lý thuế nhằm phân loại hộ kinh doanh quy mô lớn để áp dụng hình thức quản lý thuế phù hợp.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất phân loại hộ kinh doanh quy mô nhỏ để áp dụng hình thức thuế khoán, tăng cường tinh minh bạch, tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan trên địa bàn. Mục đích là để hạn chế tối đa việc khoán thuế không sát thực tế, hạn chế tối đa việc phát sinh thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế gây bất bình trong xã hội.
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Luật làm rõ tiêu chí xác định các hộ, cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ áp dụng thuế khoán để phù hợp với điều kiện thực tế trong từng thời kỳ. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc quy mô nhỏ thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai theo chế độ quy định, sẽ thúc đẩy các hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc lần này, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, việc xác định đúng doanh thu của các hộ khoán là một vấn đề, vì có nhiều hộ kinh doanh được khoán số thuế thấp hơn so với doanh thu.
Do đó để quản lý được mức thuế của hộ kinh doanh, bà Cúc cho rằng cần phải gắn mã code cho các máy bán hàng, hóa đơn của các hộ kinh doanh, mỗi đơn hàng bán ra đều phải có mã code, khi đó mới có thể phản ánh đúng doanh thu của các hộ khoán này.
Bà Cúc cũng cho rằng, vai trò của ngân hàng thương mại trong vấn đề kiểm soát thuế là rất quan trọng bởi có thể phát sinh trường hợp các doanh nghiệp cấu kết với nhau để mua hóa đơn, chuyển tiền qua ngân hàng theo quy định, sau đó, có thể rút tiền ra theo tỷ lệ phần trăm ăn chia như đã thống nhất giữa các doanh nghiệp.
"Khi đó, cơ quan thuế không thể kiểm soát được việc mua bán hóa đơn giữa các doanh nghiệp, do đó cần có sự kết nối thông tin trong thanh toán luồng tiền, luồng hàng giữa cơ quan thuế và các ngân hàng thương mại”, bà Cúc cho biết.