Cơ quan Y tế thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) hôm 14/12 thông báo đã xác nhận được ca nhiễm biến thể Omicron thứ 2 tại đại lục, ít hôm sau khi quan chức y tế thành phố cảng Thiên Tân tìm ra ca nhiễm đầu tiên.
Cả hai đều là những ca nhiễm trên người nhập cảnh từ nước ngoài. Trong đó, ca ở Thiên Tân không có triệu chứng và được cách ly ngay từ lúc nhập cảnh, sau đó phân tích gene xác nhận người này nhiễm biến thể Omicron nhưng chưa tiếp xúc với cộng đồng.
Tuy nhiên, ca nhiễm ở Quảng Châu lại khác. Bệnh nhân là nam giới 67 tuổi, đến Thượng Hải (Trung Quốc) từ ngày 27/11, trải qua 2 tuần cách ly tập trung. Trong quá trình cách ly, các xét nghiệm liên tục trả về kết quả âm tính.
Ca nhiễm biến thể Omicron xác nhận ở Quảng Châu có lịch trình gây... đau đầu
Sau khi hết thời hạn cách ly, người đàn ông này đã bay tới Quảng Châu trên chuyến bay CA1837 của hãng AirChina. Nhân viên hãng xác nhận chuyến bay gần như kín chỗ, chỉ còn 6 chỗ trống trên khoang thương gia.
Tới Quảng Châu, người đàn ông tự cách ly ở nhà. Ngày 12/12, ông được làm xét nghiệm lần nữa - ở thời điểm 15 ngày sau khi tới Trung Quốc, và kết quả lần này là dương tính, được trả vào sáng ngày 13. Phân tích gene sau đó được thực hiện bởi CDC Trung Quốc xác nhận đó là ca nhiễm Omicron.
Không giống ca nhiễm tại Thiên Tân, bệnh nhân này có triệu chứng. Ông được điều trị cách ly tại một bệnh viện. Và sau khi xác minh, 10.544 người từng tiếp xúc với ông đã được xét nghiệm - đều cho kết quả âm tính ở thời điểm hiện tại.
Nhà chức trách vẫn chưa tiết lộ thời gian, địa điểm hay cách thức bệnh nhân nhiễm phải biến thể Omicron. Về cơ bản, có thể mất 5 - 6 ngày sau khi nhiễm virus mới bộc phát triệu chứng, nhưng cũng có trường hợp lên tới 14 ngày.
Về biến thể Omicron, hiện tại vẫn còn khá nhiều bí ẩn về khả năng lây lan cũng như chu kỳ ủ bệnh. Biến thể này mang theo một lượng đột biến "nhiều bất thường", khiến giới khoa học lo ngại về khả năng lây lan mạnh hơn và né tránh được các loại vaccine hiện hành.
Tháng 11/2021, Hong Kong (Trung Quốc) xác nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron từ nước ngoài trở về. Cả hai vốn được cách ly trong cùng một khách sạn nhưng ở khác phòng, khiến giới khoa học tin rằng virus có khả năng lan truyền qua không khí lưu thông tại sảnh khách sạn.
Cơ quan y tế và truyền thông tại Trung Quốc vẫn tự tin khẳng định khả năng chống lại biến thể mới, thông qua việc kiểm soát biên giới cũng như tốc độ phát hiện và cách ly ca nhiễm cùng những người tiếp xúc gần.
Tại Trung Quốc, toàn bộ những người nhập cảnh từ nước ngoài đều phải có chứng nhận âm tính với Covid-19 trước khi rời sân bay, theo sau là 2 tuần cách ly tập trung và một khoảng thời gian cách ly tại nhà. Quy trình này yêu cầu mọi hành khách không được tiếp xúc với cộng đồng, cho đến khi hoàn tất thủ tục.
Chiến lược Zero Covid của Trung Quốc đang đối diện nhiều thách thức
Tuy nhiên, tham vọng theo đuổi chiến lược "Zero Covid" của họ - thông qua xét nghiệm diện rộng, phong tỏa cục bộ và mở rộng cách ly - đã kéo theo những tổn thất lớn về kinh tế, cũng như can thiệp mạnh đến đời sống của người dân.
Trung Quốc sẽ là nước chủ nhà Olympics mùa Đông vào tháng 2/2022. Để chuẩn bị cho sự kiện, nhà chức trách theo đuổi những biện pháp nghiêm ngặt hơn với các ổ dịch mới đang liên tục bùng phát. Trong 8 tuần gần nhất, Trung Quốc đã liên tục cập nhật ca nhiễm thường ngày.
Quy định hạn chế di chuyển đến các vùng có rủi ro cao và trung bình sẽ tồn tại cho đến ít nhất là ngày 15/3/2022 - thời điểm Olympics mùa Đông kết thúc. Việc ngăn ca nhiễm xuất hiện tại thủ đô Bắc Kinh nằm trong số những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.
Nguồn: CNN