Không nằm ngoài dự báo của thị trường khi ca nhiễm dịch Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội xuất hiện, song thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày hôm nay (9/3) vẫn khiến cho nhà đầu tư "sốc" bởi hàng loạt cổ phiếu la liệt nằm sàn. Sự hoảng loạn của nhà đầu tư đã tạo nên áp lực báo tháo mạnh, điều này đã khiến VN-Index lao dốc hơn 6% và "bốc hơi" hơn 55 điểm chỉ trong 1 phiên.
VN-Index lao dốc kỷ lục, 11 tỷ USD vốn hóa "bốc hơi" vì Covid-19
Cụ thể, VN-Index chốt phiên giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm, đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn 18 năm qua kể từ ngày 3/10/2001 (-6,45%). Toàn sàn có đến 368 mã giảm, trong đó có 173 mã giảm sàn, trong khi chỉ có 34 mã tăng và 14 mã đứng giá.
Sàn HNX cũng không nằm ngoài xu hướng thị trường chung, 2 cổ phiếu có sức ảnh hướng lớn nhất đến HNX-Index là ACB và SHB cũng đều lao dốc. ACB giảm đến 7,9% xuống 23.300 đồng/cp, SHB giảm sàn xuống 11.200 đồng/cp và khớp lệnh chỉ 4,4 triệu cổ phiếu.
HNX-Index giảm 7,32 điểm (-6,44%) xuống 106,34 điểm. Toàn sàn có 148 mã giảm (61 mã giảm sàn), 29 mã tăng và 32 mã đứng giá.
Xét về mức độ ảnh hưởng, VIC, VCB, VHM và BID hiện là những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán hôm nay lao dốc không phanh. Ở phía ngược lại, QCG, GAB và VSH là những cổ phiếu có tác động tích cực nhưng không thể kìm hãm đà giảm sâu của thị trường.
Tính chung cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM, khoảng 11 tỷ USD vốn hóa thị trường đã "bay hơi" trong phiên giao dịch ngày hôm nay 9/3.
Thị trường chứng khoán hôm nay bị tác động tiêu cực do nỗi lo sợ của giới đầu tư đối với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 trên toàn cầu và tình hình dịch corona tại Việt Nam.
Tính tới 6h sáng ngày 9/3, có 109.838 người đã nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) và 3.805 người tử vong tại 107 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Pháp và Đức đều có số ca nhiễm đã vượt 1.000 người, số ca tử vong tại Italy tăng cao kỷ lục, trong khi Mỹ có 512 ca nhiễm và 21 người tử vong.
Tại Việt Nam, chỉ trong ít ngày, đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 thứ 30, trong đó có 4 ca nhiễm virus corona ở Hà Nội, sau khi đạt thành quả khích lệ khi khống chế dịch trong vòng gần 3 tuần không có ca nhiễm mới, chữa khỏi cho 16 bệnh nhân.
Bên cạnh đó, sự lao dốc của giá dầu cũng giáng đòn mạnh xuống tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, hôm 6/3, giá dầu Brent tương lai đã giảm 9,4% xuống 45,27 USD/ thùng trong khi giá dầu WTI tương lai giảm hơn 10% xuống 41,28 USD/ thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Theo đó, giá dầu tụt hơn 30% so với mức đỉnh thời đại hồi tháng 1 sau phiên giao dịch hôm 6/3, khi các nước đồng minh OPEC dẫn đầu là Nga không đồng thuận cắt giảm sản lượng dầu 1,5 triệu thùng như OPEC khuyến nghị.
Thị trường đang dự báo giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh những quốc gia trụ cột của OPEC có thể tăng sản lượng dầu từ 9,7 triệu thùng/ ngày hiện tại lên mức hơn 10 triệu thùng/ ngày.
Trong trường hợp các nước tăng sản lượng sản xuất dầu, một cuộc chiến giá cả và thị phần sẽ bùng nổ khi nhu cầu dầu trên thế giới giảm mạnh vì dịch virus corona. Điều này trái ngược hoàn toàn viễn cảnh cắt giảm sản lượng để bảo vệ giá dầu mà OPEC hy vọng. Theo dự báo của Goldman Sachs, giá dầu có thể chạm đáy 35 USD/ thùng trong trường hợp xảy ra chiến tranh giá cả, hoặc dưới mức 40 USD/ thùng trước khi phục hồi.
Miễn nhiễm với Covid-19, cổ phiếu nhà Cường Đôla tăng "phi mã"
Giữa lúc thị trường chứng khoán hoảng loạn, cổ phiếu của Công ty CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) – đế chế của gia đình ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đô la) lại trở thành "điểm sáng" khi được mua vào mạnh, khớp lệnh tới 1,65 triệu đơn vị, tăng trần lên 6.380 đồng/cổ phiếu và không hề có dư bán, dư mua giá trần khá cao.
Đây là phiên thứ 8 liên tiếp, mã cổ phiếu QCG nhà Cường Đôla tăng trần. Trong hơn 1 tuần qua, thị giá của mã cổ phiếu này trên sàn chứng khoán đã tăng gần 79% kể từ phiên giao dịch ngày 24/2. Với gần 102 triệu cổ phiếu QCG đang nắm giữ, tài sản trên sàn của bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch của Quốc Cường Gia Lai tăng thêm gần 290 tỷ đồng trong 10 ngày qua.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SHB của bầu Hiển không còn "đại náo" trong phiên giao dịch hôm nay. Theo đó, thị giá cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT đã "bốc hơi" 9,68%, tương ứng giảm 1.200 đồng/cp. Vốn hóa của SHB cũng vì thế sụt giảm 1.745 tỷ đồng.
Theo đó, giá trị tài sản từ 35,9 triệu cổ phiếu SHB của ông Đỗ Vinh Quang, con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển đã mua thành công theo phương thức khớp lệnh trên sàn từ ngày 15/1-3/2, cũng "hụt" 43 tỷ đồng tính theo giá trị cổ phiếu hiện nay.