Tháng 12 năm ngoái, khi các biến chủng Covid-19 đáng ngại quét qua Anh Quốc, Thủ tướng Boris Johnson đã ban hành quyết định dù hợp lý nhưng không hợp lòng nhiều người dân: hủy bỏ các chuyến giao thông công cộng (gồm cả tàu hỏa và máy bay) ngay trước thềm Giáng Sinh.
Nói cách khác, kế hoạch nghỉ lễ của hàng triệu người đã phải chấm dứt.
"Chúng ta phải hi sinh cơ hội gặp lại người thân vào lễ Giáng Sinh này, để có thể bảo vệ mạng sống của chính chúng ta và hướng đến được các dịp lễ tiếp theo," - trích lời ông Johnson khi đó.
10 tháng sau, thái độ của người Anh với Covid-19 đã khác. Từ tháng 7, có thể nói toàn bộ các quy định hạn chế đều được gỡ bỏ. Các sự kiện và du lịch đều phục hồi 100% công suất, trong khi ông Johnson thúc giục người dân "bắt đầu học cách sống chung với virus".
Nhưng Delta - biến chủng lây nhiễm mạnh mẽ hơn chủng cũ, thứ khiến người Anh trải qua một năm cũ thật sự đáng chán - thì không biến mất.
Hiện tại, nước Anh âm thầm chịu đựng số ca tử vong, nhập viện và tử vong nhiều hơn so với phần lớn các nước khác tại châu Âu. Trong 2 tuần qua, họ có thêm gần nửa triệu ca nhiễm mới - riêng hôm 18/10 là 50.000, nhiều hơn Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha cộng lại. Hôm 19/10, 223 ca tử vong được ghi nhận, con số cao nhất kể từ hồi đầu tháng 3 năm nay.
Cách tiếp cận của nước Anh đã khác. Trong khi các nước khác tại châu Âu tiếp tục áp dụng hộ chiếu/ thẻ xanh vaccine, nước Anh không làm như vậy nữa. Khẩu trang, giãn cách xã hội và những quy định khác không còn là bắt buộc nữa. Những quy tắc như vậy khác xa so với các nước khác ở châu Âu - yêu cầu có chứng nhận vaccine hoặc xét nghiệm âm tính để được vào quán bar, nhà hàng và nhiều dịch vụ khác, bao gồm cả y tế.
Các bệnh viện tại Anh dường như đang lại một lần nữa phải đối mặt với sức ép của các ca nhiễm mới. Trong khi đó, thành quả tiêm chủng sớm của họ có nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn.
"Đây là điều dễ dự đoán, là hệ quả khi mở lại tất cả mọi thứ," - trích lời chuyên gia dịch tễ Deepti Gurdasani từ ĐH Queen Mary.
"Mùa đông đang đến gần, và mọi thứ sẽ chỉ tệ hơn."
Sự lạc quan của người Anh hồi đầu năm là nhờ chương trình tiêm chủng sớm, với tốc độ và quy mô lúc đầu vượt xa nhiều quốc gia khác, và được miêu tả là sự chiến thắng của họ trước dịch bệnh.
Nhưng thành quả ấy đang trở nên khó lặp lại hơn khi nước Anh tìm cách tiêm chủng cho trẻ vị thành niên và ban hành liều vaccine tăng cường cho người già và nhóm có rủi ro cao.
"Liều vaccine tăng cường đang không thể bắt kịp tốc độ tiêm liều 1 và 2," - John Roberts, chuyên gia tư vấn về Covid-19 của nhóm Actuaries Response nhận xét. Hơn 1 tháng sau khi chương trình tiêm mũi tăng cường bắt đầu, chỉ dưới 1/2 những người được tiêm chủng đủ trên 80 tuổi nhận được mũi tiêm này.
Ước tính với tốc độ hiện tại, 22 triệu người thuộc nhóm rủi ro cao sẽ không được tiêm mũi 3 cho đến cuối tháng 1 năm sau, bất chấp lời hứa của chính phủ Anh về việc bảo vệ họ trước mùa đông năm nay.
Dữ liệu thực tế cho thấy vaccine vẫn sẽ giảm được số bệnh nhân Covid cần phải nhập viện, nhưng việc miễn dịch giảm dần qua thời gian khiến tốc độ tiêm chủng trở thành một yếu tố quan trọng. Một nghiên cứu do Cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (PHE) thực hiện đã chỉ ra rằng khả năng bảo vệ của vaccine sẽ giảm từ 66,7% còn 47% sau 20 tuần. Vaccine Pfizer cũng sẽ giảm xuống còn 70% sau khoảng thời gian tương tự.
Nỗ lực tiêm chủng cho trẻ trên 12 tuổi để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong trường học cũng gặp nhiều vấn đề, với những ý kiến trái chiều được đưa ra. Trong khi Pháp đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ dưới 18 tuổi từ tháng 6, nước Anh đến tháng 9 mới bắt đầu bật đèn xanh.
Hiện tại, 1,2 triệu trẻ vị thành niên đã được tiêm ít nhất 1 mũi tại Anh, và 260.000 nhận được 2 mũi.
"Không phải tụi trẻ không muốn tiêm. Rất nhiều em muốn được tiêm chủng, nhưng các trường học chưa cho phép."
Tỉ lệ lây nhiễm của Anh đang cao hơn châu Âu rất nhiều, nhưng các biện pháp giảm thiểu lại rất hạn chế.
"Chính phủ đang dựa hoàn toàn vào chương trình tiêm chủng, nhưng lại đang diễn ra khá nửa vời," - Martin McKee, giáo sư dịch tễ học cho biết. "Điều cần thiết bây giờ là đánh giá lại sự khác biệt của chúng ta với các nước khác, có nên khác hay không, đâu là lý do?"
McKee nằm trong số nhiều chuyên gia kêu gọi có thêm các biện pháp tương tự với phần lớn các nước châu Âu. Như Pháp và Ý đã ban hành thẻ xanh vaccine, yêu cầu mọi nhân viên y tế phải tiêm chủng, trong khi nhiều nơi vẫn duy trì quy định khẩu trang bắt buộc chốn công cộng. Số ca nhiễm mới luôn giữ ở mức thấp tại cả 2 quốc gia này.
Ngày càng ít người Anh duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang
Sự kiệt quệ của công chúng cũng là một thách thức không nhỏ. Các sự kiện đông người đang được tổ chức mà không yêu cầu tiêm chủng, trong khi việc lần vết được duy trì khá thấp trong những giai đoạn cao điểm.
Chỉ khoảng 40% người Anh vẫn thực hành giãn cách xã hội, so với 62% vào giữa tháng 7 và 85% hồi tháng 4. Tương tự là tỉ lệ đeo khẩu trang. Với nhiều người, đây là xu hướng đáng ngại, nhất là khi mỗi ngày đang có tới hàng chục ngàn ca nhiễm mới.
Số ca nhập viện đang ở mức ổn định trong 2 tháng qua, không có tăng tiến đột biến nhưng cũng không giảm. Ước tính, mỗi ngày có 700 bệnh nhân mắc Covid phải nhập viện. Điều này khiến cho hệ thống y tế cảm thấy lo lắng, khi mùa đông đến gần.
"Hệ thống y tế đang trải qua giai đoạn ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất từ trước tới nay trong tháng 9, cao gấp 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái," - Giáo sư Stephen Powis nhận xét.
Mùa đông đang đến gần, và số phận của lễ Giáng Sinh Covid thứ 2 đang trở nên không rõ ràng.
Nguồn: CNN