Đây là thành quả lớn từ chiến dịch bao phủ vaccine và là tiền đề để du lịch Việt Nam sẵn sàng khôi phục hoàn toàn trong 2 tháng tới.
Hàng loạt địa phương có công suất buồng, phòng đạt trên 90% trong kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần cho thấy nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao trong bối cảnh 2 năm qua, gần như họ không thể đi đâu. Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội lớn để phục hồi và bứt phá khi mở cửa trở lại.
Đóng góp lớn nhất trong tổng số 25.000 tỷ đồng của ngành du lịch trong dịp nghỉ Tết Nhâm Dần là TP Hồ Chí Minh, với doanh thu 3.100 tỷ đồng. Tuy nhiên công suất buồng, phòng của thành phố này chỉ mới trên 40%. Điều này cho thấy dư địa để tăng nguồn thu sẽ còn rất lớn.
(Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Tỷ lệ lấp đầy buồng phòng từ 90% trở lên phải kể đến: Bà Rịa - Vũng Tàu 97%; Lâm Đồng 97%; Quảng Ninh, Bình Định, Lào Cai, Sơn La đều đạt 90%; Bình Thuận, Quảng Bình 95%; riêng Hà Giang tỷ lệ lên tới 100%.
Du xuân đầu năm khởi sắc, đảm bảo an toàn dịch
Sự quyết đoán của Chính phủ với Nghị quyết 128 đã mở ra sự phục hồi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch.
Ban Quản lý di tích Đền Trần, Nam Định đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch. 9 ngày nghỉ Tết, Đền Trần đón hơn 1 vạn lượt khách, nhưng việc thực hành lễ diễn ra trật tự.
"Năm nay tôi cảm thấy không khí thanh bình, yên tĩnh, đảm bảo phòng dịch COVID-19", anh Nguyễn Văn Khoa, tỉnh Nam Định, chia sẻ.
"Chúng tôi đã cắt cử các lực lượng thường xuyên nhắc nhở nhân dân giữ khoảng cách an toàn. 100% nhân dân đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi vào khu vực hành lễ. Hầu hết mọi người đi vào khu di tích đều chấp hành nghiêm túc", ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần - Chùa Tháp, TP Nam Định, cho biết.
Những ngày đầu xuân, Yên Tử, Quảng Ninh đón hơn 75.000 khách. Khách đều được đo thân nhiệt, quét mã QR, đảm bảo 5K.
Tây Bắc, Lào Cai kín phòng dịp Tết Nguyên đán. Sa Pa đón hơn 70.000 người đi lễ chùa trên đỉnh thiêng Fansipan, vượt trội so với Tết Tân Sửu.
Còn tại Miền Trung, Thừa Thiên - Huế đón hơn 58.000 lượt khách. Các di tích Đại Nội đảm bảo an toàn dịch.
Đà Nẵng, Nha Trang, lượng khách lưu trú tăng gấp 2, gấp 3 so cùng kỳ năm 2021, nhiều khách sạn kín phòng.
Đỉnh núi Bà đen (Tây Ninh) được trồng bao phủ kín các hoa. (Ảnh: TTXVN)
Lần đâu tiên, Tây Ninh dẫn đầu cả nước với gần 600.000 lượt khách thăm quan Núi Bà Đen, chiêm bái tượng Phật Bà bằng đồng cao bậc nhất châu Á mới hoàn thành. 3 tuyến cáp treo hoạt động đảm bảo giãn cách.
Biển xanh, nắng ấm, Phú Quốc dịp Tết Nguyên đán thu hút gần 100.000 lượt khách. Khách quốc tế gần 5.500 lượt theo chương trình hộ chiếu vaccine tính từ tháng 11 tới nay.
"Bản thân tôi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nên cảm thấy rất an tâm. Các biện pháp phòng ngừa dịch ở đây được thực hiện rất tốt", anh Phạm Hùng Toàn, thành phố Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay.
Với việc phủ vaccine diện rộng và sự chủ động thích ứng an toàn của các địa phương, doanh nghiệp, hoạt động du xuân đầu năm khởi sắc, hứa hẹn những tín hiệu vui cho du lịch, cũng như đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trong năm Nhâm Dần 2022.
Du lịch đã trải qua những giai đoạn khó khăn chưa từng có, nhưng hiện nay những tín hiệu tích cực đã đến để chờ đợi ngành du lịch bứt phá.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, cần sự phối hợp đa ngành, nhưng trong thời gian dịch bệnh, sự phối hợp này gần như tê liệt. Ngành du lịch tính toán thế nào để bộ máy này có thể vận hành trơn tru, hiệu quả, với những sản phẩm du lịch đặc sắc? Triển vọng về du lịch nội địa và du lịch quốc tế của Việt Nam trong năm nay?