Trong đó, cán bộ công chức: 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo: 39.000; lao động trong khu công nghiệp: 17.000. Hầu hết các nhóm đối tượng đều có xu hướng chọn phương thức thuê mua nhà ở xã hội chiếm tỷ lệ từ 65% đến 94%.
Tuy vậy, theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay cả nước mới thực hiện được khoảng 33% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã đề ra và đã có hơn 80.000 hộ gia đình tạo lập được nhà ở xã hội.
Riêng Tp.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể hoàn thành 20.000 căn. Nhưng trên thực tế, do nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa nên vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của xã hội, nhất là tại Hà Nội, Tp.HCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao, mà cần phải có lộ trình, kế hoạch và các giải pháp thực hiện đồng bộ.
Trong 14 năm qua (2004-2019) tại Tp.HCM đã hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho khoảng 4.600 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang được vay ưu đãi để mua nhà ở, và đã giải ngân khoảng 1.960 tỷ đồng (Giai đoạn đầu, suất vay là 400 triệu đồng, hiện nay suất vay là 900 triệu đồng với lãi suất vay 4,7%/năm trong 15 năm).
Đã có nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc cá nhân tại Tp.HCM tích cực tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, điển hình như các công ty Nam Long, Lê Thành, Đầu tư Thủ Thiêm, Thuận Kiều, Thiên Phát, Sài Gòn Res, Hoàng Quân...
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, Tp.HCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn.
Nhu cầu nhà ở của đối tượng thu nhập thấp đô thị còn rất lớn
Cũng theo thống kê của Sở Xây dựng năm 2018, toàn thành phố có gần 500.000 hộ chưa có sở hữu nhà ở, ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình đông người trong những căn nhà nhỏ có diện tích ở bình quân thấp hơn 10m2/người.
Theo đánh giá của Hiệp hội BĐS Tp.HCM, khi thị trường BĐS bị khủng hoảng đóng băng giai đoạn 2011-2013, để giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/2013/NQ-CP ngày 07/01/2013 với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng áp dụng từ 2013-2016, trong đó 70% tương đương 21.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán không quá 1,05 tỷ đồng; và 30% gói tín dụng ưu đãi tương đương với 9.000 tỷ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Áp dụng lãi suất vay ưu đãi 6%/năm 2013; và 5%/năm từ năm 2014 đến năm 2019.
Sau 3 năm thực hiện gói 30.000 tỷ đồng, đến hết năm 2016, đã giải ngân được hơn 32.000 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 56.186 người mua được nhà ở, trong đó có khoảng 1/3 là nhà ở xã hội. Riêng tại Tp.HCM, đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032 tỷ đồng, trong đó, có 10.308 cá nhân (chiếm tỷ lệ 18,3% đối tượng được vay ưu đãi cả nước), đã vay 5.575 tỷ đồng và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay 1.456 tỷ đồng, tổng cộng đã giải ngân trên địa bàn thành phố được 8.488 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 26,5% gói tín dụng ưu đãi cả nước).
Tuy nhiên, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng (ngày 30/06/2016 đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; ngày 31/12/2016 đối với cá nhân), đã có tác động tiêu cực, gây khó khăn rất lớn đối với 2 đối tượng là chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội.
“Hiệp hội kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung "Danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội" vào Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ tùy theo điều kiện ngân sách nhà nước để bố trí khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách nhà ở xã hội”, đại diện Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhấn mạnh.