Kết thúc phiên giao dịch khuya hôm qua, trên sàn ICE Europe – London , giá cà phê Robusta tiếp nối đà giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 47 USD, tức giảm 2,62%, xuống ở mức 1.747 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 44 USD, tức giảm 2,46%, xuống ở mức 1.742 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch tăng lên khá cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá đảo tiếp tục thu hẹp khoảng cách.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York , giá cà phê Arabica kéo dài chuỗi giảm liên tiếp lên phiên thứ tư. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 0,85 cent, tức giảm 0,71%, xuống ở mức 118,75 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 giảm thêm 0,9 cent, tức giảm 0,74% xxuống ở mức 121,1 cent/lb, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch tăng lên khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm thêm 800 – 900 đồng, xuống giao dịch trong khung 35,4 – 35,8 triệu đồng/tấn. Đây là vùng giá thấp nhất trong gần 2 tháng qua.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.577 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi dãn ra 170 – 180 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London .
Bên cạnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc vẫn rất cần các biện pháp để tháo gỡ, Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận 5+1 về vấn đề hạt nhân Iran đã khiến nhiều cường quốc lên tiếng phản đối. Các thị trường hàng hóa trở nên sôi động, đặc biệt giá dầu thô tăng vọt trước mối lo Mỹ sẽ tái cấm vận Iran ở mức cao hơn vì những cáo buộc mới, cho dù các nước thành viên OPEC và ngoài OPEC khẳng định sẽ không để nguồn cung dầu thô cho toàn cầu thiếu hụt.
Nhiều chuyên gia trên các thị trường hàng hóa dự kiến giá dầu thô không loại trừ lần này sẽ tăng lên tới 100 USD/thùng và nếu điều này trở thành hiện thực thì kinh tế thế giới sẽ đối diện với một đợt suy giảm mới trên diện rộng.
Nhà đầu tư trên các sàn hàng hóa đã nhanh chóng điều chuyển dòng vốn đầu cơ về sàn dầu thô khiến nhiều hàng hóa nông sản khác phải rớt thảm trong phiên hôm qua, nhất là giá cà phê vì mặt hàng này có sức thu hút đầu tư bậc nhất trong các loại hàng hóa nông sản.
Nguyên nhân giá cà phê rớt thảm còn do đồng Reais của Brazil suy yếu trở lại trong rổ tiền tệ. Tỷ giá đồng Reais/USD hiện nay là 3,59, ở mức thấp nhiều năm. Chính điều này đã thúc đẩy người Brasil gia tăng bán ra vì họ sẽ thu về được nhiều nội tệ hơn, và do đó giá đường ăn và giá cà phê rớt tthảm phiên vừa qua vì đây là 2 mặt hàng nông sản mà Brasil là nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Theo các nhà phân tích kỹ thuật, biến động giảm trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn thế giới khả năng vẫn còn kéo dài do Brazil và Indonesia đã bắt tay vào thu hoạch vụ mới, cho dù hàng vụ mới hiện vẫn chưa đưa ra thị trường tiêu dùng do phải ưu tiên cho ngành công nghiệp trong nước.
Thị trường cà phê nội địa ở Tây Nguyên tiếp tục đóng băng do nhà nông tiếp tục kháng giá, không bán ra ở mức giá hiện hành quá thấp.
Báo cáo dữ liệu sơ bộ tháng 4 của Hải Quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu cà phê trong tháng đạt 155.689 tấn (tương đương bao, 2.594.817 bao 60 kg), với trị giá 297,75 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 23,1% về giá trị so với tháng trước. Lũy kế xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2018 đạt tổng cộng 685.068 tấn (tương đương 11.417.800 bao), với trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 17% về lượng nhưng lại giảm 0,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.