Báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ mới công bố gần đây cho thấy, số tiền người tiêu dùng phải trả cho cà phê rang xay đã tăng 2,5% trong tháng 1/2025 so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, giá cà phê hòa tan tăng vọt tới 7,1%.
Một nhà mua bán cà phê toàn cầu chia sẻ, mặc dù chưa tăng giá, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét tăng giá cà phê trong trung hạn.
Ông Andrea Illy, Chủ tịch illycaffè, chỉ ra rằng các vấn đề khí hậu tại các quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, trong đó có Việt Nam và Brazil, nơi điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến mùa vụ. Brazil đã trải qua năm nóng nhất trong lịch sử vào năm 2024, với số vụ cháy rừng kỷ lục ảnh hưởng đến cà phê Arabica và đẩy giá lên cao. Mỹ nhập khẩu lượng cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Liên minh châu Âu, với nguồn cung chủ yếu đến từ Brazil, Colombia và Việt Nam.
Ông Illy cho hay không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá. Các công ty khác cũng đang cân nhắc tăng giá. Giám đốc Tài chính của Keurig Dr Pepper (KDP), Sudhanshu Priyadarshi, dự đoán giá cà phê sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2025.
Tuy nhiên, bà Rachel Ruggeri, Giám đốc Tài chính của Starbucks, cho hay không phải tất cả các nhà mua cà phê thương mại đều bị ảnh hưởng lớn, vì thông thường các nhà bán lẻ lớn sẽ mua số lượng lớn trước ít nhất một năm và chốt giá bằng hợp đồng kỳ hạn. Nhờ các thông lệ chung và chiến lược phòng ngừa rủi ro, tác động của giá cà phê so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức vừa phải trong quý I/2025.
Một phần lý do khiến giá cà phê hòa tan tăng mạnh trong báo cáo CPI là vì mức giá vốn đã thấp giúp các công ty dễ dàng tăng giá mà không gây sốc cho người tiêu dùng. Cà phê hòa tan sử dụng cà phê Robusta, một loại hạt cà phê cấp thấp hơn so với Arabica, loại được sử dụng cho cà phê chuỗi nhà hàng. Tình hình hạn hán ở Việt Nam năm 2024 đã ảnh hưởng đến sản xuất cà phê Robusta, khiến giá tăng 60% trong năm qua.
Chi phí vận chuyển và nhân công tăng cao cũng đã gây sức ép lên thị trường cà phê hòa tan.