Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 6/2018, giá cà phê Robusta tại thị trường trong nước giảm nhẹ theo giá thế giới. Cuối tháng 6/2018, giá cà phê Robusta giảm từ 0,3 – 0,8% so với cuối tháng 5/2018, mức giá thấp nhất là 34.900 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng – mức cao nhất 35.900 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk.
Cuối tháng, thị trường cà phê nội địa đã có những dấu hiệu cải thiện sau khi xuất hiện thông tin đã hết lượng tồn cà phê của vụ 2017/2018 trước khi chuyển sang vụ mới vào đầu tháng 10/2018. Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, giá cà phê trong nước có xu hướng giảm. So với cuối năm 2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.100 – 1.200 đồng/kg.
Theo ước tính, tháng 6/2018 lượng cà phê xuất khẩu đạt 150 nghìn tấn, trị giá 287 triệu USD, tăng 0,2% về lượng, nhưng giảm 2,4% về trị giá so với tháng 5/2018; tăng 17,2% về lượng, nhưng giảm 0,5% so với tháng 6/2017. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê đạt 1,028 triệu tấn, trị giá 1,98 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng, nhưng giảm 6,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 6/2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê ước đạt 1.913 USD/tấn, giảm 2,6% so với tháng 5/2018 và giảm 15,1% so với tháng 6/2017. Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt khoảng 1.930 USD/tấn, giảm 14,2% so với 6 tháng đầu năm 2017.
Về chủng loại xuất khẩu, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê Robusta chiếm 83,8% trong tổng lượng xuất khẩu, đạt 735,6 nghìn tấn, trị giá 1,31 tỷ USD, tăng 17,5% về lượng, nhưng giảm 1,1% về trị giá so với 5 tháng đầu năm 2017. Đáng chú ý, cà phê Excelsa là mặt hàng có khối lượng tăng mạnh nhất, tăng 74,8% so với 5 tháng năm 2017, đạt 2,18 nghìn tấn.
Tính riêng tháng 5/2018, xuất khẩu cà phê Arabica tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, tăng 104,5% về lượng và tăng 74,2% về trị giá so với tháng 5/2018, đạt 8.120 tấn, trị giá 18,38 triệu USD.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Thái Lan, 5 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu cà phê của nước này đạt 15.834 tấn, trị giá 1,116 tỷ bath (tương đương 33,71 triệu USD), tăng 81,0% về lượng và tăng 28,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhập khẩu cà phê từ Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng mạnh nhất, tăng 124,5% về lượng, nhờ đó thị phần mặt hàng cà phê của nước ta tại Thái Lan tăng từ 70,7% trong tổng lượng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2017, lên 87,7% trong 5 tháng đầu năm 2018.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường cà phê thế giới cuối tháng 6/2018 đã có tín hiệu tích cực hơn khi giá phục hồi do người trồng cà phê của Việt Nam tiếp tục giữ hàng, không bán ở mức giá thấp khiến nguồn cung cà phê Robusta có dấu hiệu chậm lại. Theo ước tính, khối lượng hàng tồn kho vụ trước của Việt Nam không còn nhiều, chỉ đủ để cung ứng cho hoạt động xuất khẩu 4 tháng còn lại của niên vụ cà phê 2017/18, xấp xỉ khoảng 1 triệu bao mỗi tháng.
Ngoài ra, theo Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Cà phê (Cecafé) Brasil, lượng cà phê xuất khẩu của nước này giảm do đang vào mùa "giáp hạt" và việc đình công phong tỏa đường cao tốc của tài xế xe tải vừa qua đã ảnh hưởng đến khối lượng hàng giao lên tàu. Từ tháng 8/2018 trở đi, Brasil sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu cà phê của thị trường.
Nhìn chung, thị trường cà phê toàn cầu vẫn chịu sức ép giảm giá do nguồn cung dồi dào. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, nguồn cung cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 tiếp tục lớn hơn cầu với mức thặng dư 8 triệu bao, khi sản lượng dự báo đạt 171,2 triệu bao, trong khi tiêu thụ chỉ ở mức 163,2 triệu bao. Trong các tháng tới, nguồn cung cà phê ra thị trường sẽ được bổ sung từ vụ thu hoạch của Brasil, do đó khả năng giá cà phê tăng mạnh là khó xảy ra.