Theo Reuters, Tây Ban Nha đang bị ảnh hưởng bởi cái nóng mùa hè đến sớm và nóng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua, với nhiệt độ dự báo dao động quanh mức 40-42 độ C ở nhiều vùng Đông Bắc và Bắc đất nước, theo Cục Thời tiết quốc gia AEMET. Tại TP Zaragoza ngày 18-6, nhiệt độ lúc 16 giờ vẫn ở mức 40,9 độ C.
Tại Pháp, các nhà khí tượng học mô tả tình hình là "thực sự bất thường", với nhiệt độ trong ngày 18-6 đạt đỉnh 43 độ C. Không kém cạnh, nhiệt độ tại Đức có nơi chạm ngưỡng 38 độ C trong khi Anh ghi nhận ngày nóng nhất trong năm (17-6) với nhiệt độ lên tới 30 độ C vào đầu giờ chiều.
Thời tiết khô hạn kéo dài kèm nhiệt độ cao và gió khiến giới chức nhiều nước đồng loạt cảnh báo cháy rừng dọc khu vực phía Tây Địa Trung Hải. Trong đó, nguy cơ "cực kỳ nguy hiểm" được ghi nhận tại Tây Ban Nha (nghiêm trọng nhất là Zamora, gần biên giới với Bồ Đào Nha), vùng thung lũng sông Rhone ở Pháp, các vùng Sardinia, Sicily của Ý.
Hãng tin AP cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã bật chế độ "trực chiến" cho 12 máy bay cứu hỏa và 1 trực thăng để hỗ trợ các nước.
Người dân túm tụm đợi xe điện trong khi nhiệt kế ngoài trời đo được mức 40 độ C ở TP Zaragoza - Tây Ban Nha Ảnh: REUTERS
Ngồi dưới bóng râm bên ngoài nhà thờ lớn ở TP Zaragoza, bà Marisa Gutierrez nói với Reuters: "Gió nóng cứ như là thổi từ sa mạc ấy. Thời gian này trong năm nhiệt độ thường dễ chịu chứ không nóng đến vậy".
Các chuyên gia cho hay nắng nóng đến sớm như hiện nay là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ cực đoan vốn chỉ xuất hiện vào tháng 7 và 8 lại xảy ra vào tháng 6.
Bên kia đại dương, hơn 25 triệu người dân tại hơn 12 bang của Mỹ đã nhận được cảnh báo nắng nóng từ hôm 18-6. Trong đó, nhiều khu vực mới tạm thoát một đợt nóng kỷ lục khác vào 1 tuần trước.
Theo đài CNN, từ TP Lincoln của bang Nebraska tới TP Fargo ở bang Bắc Dakota, nhiệt độ sẽ vượt mốc 37,8 độ C vào cuối tuần này. Vòm nhiệt mới hiện phủ trên các bình nguyên ở phía Bắc và sẽ lan dần sang phía Đông tới các vùng Trung Tây và Nam nước Mỹ, tạo ra thêm một tuần nhiệt độ cao kỷ lục nữa.
Tình trạng nhiệt độ cao kỷ lục trong năm nay bắt đầu được các nhà khoa học ghi nhận ở cả 2 cực Bắc và Nam của trái đất từ tháng 3, đến mức họ tưởng có sai sót gì đó.
Trong khi nhiệt độ tại trạm Vostok gần Nam Cực nóng hơn 15 độ C so với kỷ lục trước đó thì Bắc Cực ấm hơn 3 độ C so với nhiệt độ bình quân dài hạn - theo báo The Guardian (Anh). Giới chuyên gia nhấn mạnh sóng nhiệt ở một cực được xem là cảnh báo, còn xảy ra ở cả 2 cực có thể là khởi đầu cho một thảm họa khí hậu.
Kể từ đó, các trạm thời tiết khắp thế giới liên tục ghi nhận các mức nhiệt cao - tháng 5 là mức 49 độ C ở New Delhi của Ấn Độ, ngày 13-6 tới lượt Madrid của Tây Ban Nha vượt qua mốc 40 độ C.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra chính hoạt động của con người làm tăng nguy cơ nắng nóng cực đoan. Người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nhất vì họ phải làm việc ngoài trời hoặc trong nhà máy và đến khi về nhà lại không có máy điều hòa nhiệt độ.
Tuy nhiên, tự thân việc sử dụng máy điều hòa cũng tạo thành "vòng luẩn quẩn chết người": Càng dùng thì lượng năng lượng tiêu tốn càng lớn và đe dọa làm tăng vọt lượng khí thải nhà kính trong khi chỉ có cắt giảm khẩn cấp khí thải nhà kính mới ngăn được sự hỗn loạn khí hậu.