Trong 7 lần kiểm tra chất lượng không khí cho kết quả tốt nhất 10 năm qua, có 5 lần được tiến hành trong một năm trở lại đây. Kết quả của các lần thử nghiệm do Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, Trung Quốc thực hiện cho thấy thành quả của những nỗ lực chống ô nhiễm mà chính phủ Trung Quốc tiến hành trong thời gian qua.
Hiện tại, Trung Quốc đã tăng cường thực thi chính sách hạn chế đốt than ở Bắc Kinh và các khu vực xung quanh. Mức ô nhiễm tháng 7 vừa qua thấp hơn đáng kể so với thời gian trước và là mức thấp bậc nhất kể từ thời điểm dữ liệu ô nhiễm được thu thập từ năm 2008. Nó cho thấy chất lượng không khí ở Bắc Kinh đang dễ thở hơn.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng buộc chính phủ Trung Quốc phải mạnh tay dẹp bỏ các hoạt động gây ô nhiễm. Năm 2013, kết quả đo chất lượng không khí cho thấy số lượng hạt bụi cực nhỏ lẫn trong không khí ở Bắc Kinh nhiều gấp 35 giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình cũng coi ô nhiễm là vấn đề nghiêm trọng, dẫn tới các động thái buộc hàng triệu doanh nghiệp và hộ gia đình ở miền bắc đất nước phải chuyển từ sử dụng than sang khí đốt tự nhiên, trong đó nhiều nhất là sản xuất điện và sưởi ấm nhà.
Tim Buckley, Giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích tài chính có trụ sở tại Sydney, nhấn mạnh: "Trung Quốc đã cam kết rõ ràng rằng họ sẽ mang bầu trời xanh trở lại. Hiếm có tuần nào mà Trung Quốc không đưa ra những quy định hay chính sách mới nhằm hiện thực hóa vấn đề này".
Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới đang phải trả giá cho bầu không khí trong lành của Bắc Kinh. Việc quay lưng với than khiến nhu cầu khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc tăng vọt, biến nước này trở thành nhà nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất thế giới. Điều này khiến cho giá khí tự nhiên hóa lỏng trên toàn thế giới tăng vọt, lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Việc cắt giảm sản lượng và hạn chế sản xuất để giảm ô nhiễm cũng khiến giá thép tăng mạnh.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn còn chặng đường dài để đi và cái giá của bầu không khí sạch sẽ ngày càng tăng cao.
Laban Yu, nhà phân tích của Jefferies Group LLC, cho biết, Trung Quốc đang tìm cách giảm năng lượng từ than xuống còn 58% vào năm 2020 so với 60% như hiện nay thông qua việc sử dụng khí tự nhiên cho lò sưởi gia dụng và nồi hơi công nghiệp cũng như trong các nhà máy nhiệt điện.