Đầu tư công là một hoạt động đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước để thực hiện thiết kế, xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo thống kế, 10 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước chưa đạt 50% kế hoạch. Có đến 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 20%.
Các bộ ngành, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất phải kể đến Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 0,5% kế hoạch. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỷ lệ là dưới 4%. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế… tỷ lệ giải ngân lần lượt là 5,6 và 8,5%.
Còn với các địa phương, tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước so với kế hoạch là TP Hồ Chí Minh với mức 21%, Cao Bằng hơn 27%, còn Gia Lai, Bắc Kạn hay Hà Giang cũng chỉ khoảng 31% - hơn 33% so với kế hoạch.
Trái ngược với những nơi giải ngân vốn đầu tư công chậm, thì các Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao như Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam giải ngân hơn 83%; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỷ lệ giải ngân lần lượt là hơn 76% và 73%...
Theo ông Phạm Văn Thịnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, với những dự án đầu tư công chậm giải ngân do nguyên ngân chậm giải phóng mặt bằng cần phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương. Trong Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và gần đây nhất là Công điện 1576, Thủ tướng đã nêu rất rõ và gắn trách nhiệm người đứng đầu với công tác giải phóng mặt bằng, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Người đứng đầu phải trực tiếp kiểm tra và có những tháo gỡ kịp thời.
Ông Phạm Văn Thịnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công
Liên quan đến chi phí đầu vào tăng, giai đoạn trước đây như 2003 - 2004, 2009 - 20210, các dự án đầu tư công cũng gặp phải tình trạng này. Tại thời điểm đó, Bộ Xây dựng đã có các thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá cho sự biến động mạnh của nguyên vật liệu đầu vào trong quá trình thi công.
"Ở thời điểm hiện tại, các cơ quan Trung ương nếu có những hướng dẫn kịp thời thì những vướng mắc về chi phí đầu vào có thể được giải quyết", ông Thịnh cho biết.
Cũng theo ông Thịnh, với những hợp đồng đấu thầu của năm nay, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn vừa qua thì việc cập nhật giá rất sát sao, giá mới sát với giá thị trường nên việc thi công thuận lợi. Song bên cạnh yếu tố về giá thì quan trọng nhất là sự quyết liệt, chỉ đạo sát sao của người đứng đầu.
"Người đứng đầu cần xác định mục tiêu đề ra giải ngân hết 100% là một nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Từ đó buộc người đứng đầu phải đưa ra kế hoạch cho tất cả các đơn vị liên quan thuộc thẩm quyền quản lý vào cuộc. Phải sát sao, thậm chí kiểm việc giải ngân đầu tư công theo hàng tuần", ông Phạm Văn Thịnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.
Kế hoạch vốn đầu tư công được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là chỉ tiêu pháp lệnh. Do đó, việc không hoàn thành chỉ tiêu này thuộc về trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Từ đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư đã có đề nghị phải có chế tài đối với các đơn vị xin "trả lại" vốn. Hiện hơn 76% vốn ngân sách là do phía địa phương quản lý, nên việc thúc đẩy giải ngân phụ thuộc rất lớn vào phía địa phương. Ưu tiên các dự án đảm bảo khả thi, không máy móc áp dụng mà đưa ra các giải pháp cụ thể tại dừng dự án, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, thay vì "sợ trách nhiệm" có như vậy, các dự án đầu tư công mới có thể về đích cả về thời hạn, về chất lượng và hiệu quả.