Với các mức thuế chống bán phá giá cao ngất ngưỡng mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố, các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam khó còn “cửa” xuất khẩu tôm, cá vào Mỹ.
Cụ thể, cuối tuần qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra, basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ 1.8. 2015 - 31.7.2016).
Theo kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát nói trên. Đây là các mức thuế rất cao và sẽ có tác động lớn tới xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Mỹ.
Cá tra, basa Việt Nam lại vừa bị áp mức thuế chống bán phá giá rất cao tại thị trường Mỹ.
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng (Godaco), cho rằng, với mức thuế gần 4 USD/kg mà doanh nghiệp này phải chịu đã bằng với giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, còn với mức thuế cao gần 8 USD/kg áp dụng với một số doanh nghiệp khác thì gần như cao gấp đôi giá xuất khẩu.
Ông Đạo cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều không còn hào hứng với việc mở rộng thị trường cho cá tra Việt Nam ở Mỹ, vì mức thuế “cao khủng khiếp”.
“Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan đến các yếu tố sản xuất, số liệu bán hàng và trả lời đúng hạn các câu hỏi của phía Mỹ. Nếu DOC căn cứ vào hồ sơ và số liệu do chúng tôi cung cấp để làm cơ sở tính thuế như những lần xem xét trước đây thì chắc chắn chúng tôi sẽ được hưởng một mức thuế suất không đáng kể”, ông Đạo bức xúc.
Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần theo đuổi vụ kiện Mỹ ra tòa án WTO vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Trao đổi với một số cơ quan báo chí, Luật sư Ngô Quang Thụy - người từng nhiều năm đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ, cho rằng, nếu Mỹ chính thức áp dụng mức thuế như vừa công bố thì cá tra Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, tạm thời hết đường vào Mỹ.
Do đó, các doanh nghiệp cần theo đuổi vụ kiện Mỹ ra tòa án WTO, trong đó có nội dung Mỹ áp dụng không chính xác phương pháp tính trong việc tính thuế chống bán phá giá lên cá tra, basa Việt Nam. Nếu thắng kiện, Việt Nam có hy vọng sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn trong những năm tới.
Ngược lại, các công ty Việt Nam chỉ còn hy vọng vào phán quyết cuối cùng của Mỹ tại kỳ xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14), dự kiến có kết quả cuối cùng vào tháng 3.2019. Quyết định cuối cùng tại kỳ này sẽ ảnh hưởng đến việc liệu doanh nghiệp xuất khẩu Việt có thể quay lại Mỹ được hay không.
Ngoài ra, trong suốt thời gian theo đuổi vụ kiện, các đơn vị đang bị ảnh hưởng của kỳ POR13 cần tập trung làm tốt hồ sơ, số liệu chứng minh cá tra Việt không bán phá giá.
Trong khi đó, hồi cuối tháng 2 vừa qua, Việt Nam đã gửi hồ sơ đệ trình lên tổ chức WTO về việc Mỹ hạn chế nhập khẩu cá da trơn từ Việt Nam. Theo đó, phía Việt Nam cho rằng cá tra, basa là loài cung cấp một nguồn protein lành mạnh và phù hợp với người tiêu dùng Mỹ.
Tuy nhiên, phía Mỹ đã tìm cách hạn chế nhập khẩu loại cá này một cách thiếu công bằng và thiếu cơ sở khoa học. Theo quy định của WTO, Việt Nam có thể yêu cầu WTO giải quyết tranh chấp nếu Mỹ không giải quyết trong vòng 60 ngày.
Với mức thuế này, liệu cá tra Việt Nam còn "cửa" nào xuất khẩu vào thị trường Mỹ?
Trước đó, hồi đầu tháng 1.2018, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương Việt Nam) cũng đã chính thức gửi yêu cầu tới chính phủ Mỹ để đề nghị tham vấn trong khuôn khổ Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO liên quan tới biện pháp chống bán phá giá mà nước này áp dụng đối với cá tra, basa nhập khẩu từ Việt Nam.
Việc tham vấn là bước đầu tiên, bắt buộc trong quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO. Nội dung tham vấn của Việt Nam với Mỹ tập trung vào các vấn đề chính như Việt Nam khiếu kiện phương pháp quy về không (“zeroing”) mà Mỹ sử dụng để tính biên độ phá giá cho doanh nghiệp Việt Nam (trong đợt rà soát 5, 6 và 7) vi phạm ở 2 khía cạnh: Về mặt pháp lý và về mặt áp dụng quy định của Hiệp định Chống bán phá giá của WTO (ADA).
Bộ Công thương Việt Nam cũng khiếu nại Mỹ vi phạm quy định của Hiệp định ADA do không thực hiện việc dở bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá cho một số doanh nghiệp Việt Nam mặc dù các doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chí được dỡ bỏ thuế do có biên độ phá giá bằng 0 trong 3 lần liên tiếp.
Bộ Công Thương Việt Nam cũng cho rằng, mức thuế mà Mỹ đưa ra là không khách quan, mang tính bảo hộ quá mức. Do đó, đề nghị phía Mỹ xem xét, điều chỉnh lại cách xác định mức thuế trên nguyên tắc khách quan, tuân thủ quy định của WTO, công bằng cho tất cả các bên liên quan.
VASEP đang xem xét khiếu kiện lên Tòa án thương mại Quốc tế Chiều nay (20/3), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) khẳng định, DOC đã có những điều chỉnh thiếu cơ sở pháp lý khi áp dụng mức thuế suất được tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn trở thành mức thuế trung bình cho các công ty có mức thuế suất riêng rẽ không được xem xét hồ sơ, bỏ qua các quy định thông thường khi đưa ra quyết định trong kết quả cuối cùng. Với cách tính này, các doanh nghiệp có rất ít cơ hội xuất khẩu cá tra fillet vào Hoa Kỳ trong thời gian tới vì không thể đáp ứng số tiền ký quỹ quá cao theo mức thuế này. Do đó, VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa Án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất. “Chúng tôi yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này”, ông Hòe nhấn mạnh. |