Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin DOC vừa công bố kết quả sơ bộ cuộc điều tra hành chính xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi-lê đông lạnh của Việt Nam cho giai đoạn từ ngày 1-8-2022 đến 31-7-2023 (POR20).
Theo đó, 8 công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam không phải chịu bất kỳ khoản thuế chống bán phá giá nào do không có hành vi bán phá giá sản phẩm vào thị trường Mỹ.
Danh sách các công ty này gồm: Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp), Công ty TNHH Biển Đông (Bien Dong Seafood); Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành, Công ty TNHH Một thành viên Thủy sản Đông Á (DONG A SEAFOOD); Công ty Hùng Cá 6; Công ty CP Nam Việt (NAVICO) và Công ty CP Thủy sản NTSF (NTSF SEAFOODS).
Do Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên DOC sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam. Trong đợt rà soát này, DOC lựa chọn Indonesia là quốc gia thay thế để tính biên độ phá giá cá tra .
Theo quy định, sau 120 ngày công bố kết quả sơ bộ, DOC sẽ thông báo kết quả cuối cùng thuế POR20. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, kết quả cuối cùng có sự thay đổi so với đánh giá sơ bộ.
Ở POR19, hai bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ có mức thuế lần lượt 0 USD và 0,14 USD/kg.
Các bị đơn tự nguyện khác là Công ty CP Đầu tư - Phát triển đa quốc gia I.D.I, Công ty CP Thủy sản Cafatex, Công ty CP Thủy sản Lộc Kim Chi và Công ty CP Hùng Vương cùng mức thuế 0,14 USD/kg, được xem là thông tin tích cực .
Do đó, kết quả sơ bộ POR20 có thể được xem là tin vui nhất của ngành cá tra Việt Nam sau 20 năm bị vướng vào vụ kiện bán phá giá tại Mỹ.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng trưởng ấn tượng
Tính đến 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 190 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng trong tháng 7, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt đến gần 31 triệu USD, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.