Ngày 17/12, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực. Theo đó, danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/01/2019.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ
Theo quy định, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực phải đáp ứng 4 tiêu chí: Thuộc vào danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động, phát huy hiệu quả tài nguyên, điều kiện tự nhiên và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Có năng suất và hiệu quả sản xuất cao, có khả năng thu hút đầu tư để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, trong đó giá trị xuất khẩu tối thiểu đạt 100 triệu USD/năm.
Bộ NN&PTNT có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước, xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trong phạm vi cả nước... Hằng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện công tác quản lý nhà nước; xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại địa phương.
Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm 2018 đạt trên 1,8 tỷ USD. Kết quả này đã vượt qua con số 1,78 tỷ USD của cả năm 2017, đưa cá tra trở thành loại thủy sản có mức tăng trưởng dẫn đầu trong số các loại thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Dự báo xuất khẩu cá tra cả năm 2018 sẽ đạt trên 2,2 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017.
Cảnh Kỳ