Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu hàng hóa của các nước đang phát triển (CBI) cho biết, sản phẩm cá tra cũng đang cạnh tranh ngược lại với sản phẩm cá rô phi, cá minh thái Alaska pollock tại một số thị trường trọng điểm.
Sự thay thế sản phẩm cá tra trong một số phân khúc thị trường đang diễn ra trên khắp Châu Âu với mức độ khác nhau.
Ở góc độ ngược lại, tại Đức và Ba Lan, cá Alaska pollock chính là đối thủ cạnh tranh chính của cá tra; trong khi tại thị trường Anh lại lựa chọn các sản phẩm cá haddock và cá cod kèm theo thực đơn của các sản phẩm truyền thống khác và khoai tây chiên. Còn tại các quốc gia Nam Âu, sản phẩm cá hake, cá Alaska pollock, và một số sản phẩm cá thịt trắng khác đang cạnh tranh với cá tra.
Theo thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế ITC, 10 tháng đầu năm nay, nhập khẩu cá thịt trắng của Anh tăng 9,09%, Tây Ban Nha tăng 13,1%, Đức tăng 6,06%, Pháp tăng 7%, Ba Lan tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, một điều không thể phủ nhận rằng, cá tra Việt Nam vẫn đang tiếp tục len lỏi vào thị phần của nhiều quốc gia tại Châu Âu.
Theo CBI, Đức và Ba Lan là những nhà cung cấp cá tra cho các quốc gia Trung và Đông Âu, nơi không có cảng nhập lớn. Theo thống kê, gần 51,4 triệu USD sản phẩm cá tra philê đông lạnh được tái xuất trong nội khối EU trong năm 2017. Các nước tái xuất chính cá tra là Hà Lan (31 triệu euro), Bỉ (14 triệu euro) và Đức (8 triệu euro).
Hiện nay, hầu hết EU được nhập khẩu cá tra dưới dạng philê đông lạnh, và giá trị gia tăng được thực hiện bởi các công ty chế biến ở châu Âu. Người tiêu dùng đang ngày càng lựa chọn nhiều lựa chọn thực phẩm tự nhiên hơn, là những sản phẩm ít hoặc không có chất phụ gia chế biến, hàm lượng mạ băng thấp.