Đại diện một doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi cũng là tiếng lòng chung của nhiều doanh nghiệp đang áp dụng AI trong quá trình sản xuất kinh doanh: "Các anh nói AI cứ như là có sẵn rồi vậy. Chúng tôi áp dụng AI nhưng không có cái gì để xử lý dữ liệu bằng tiếng Việt cả. Tôi liên hệ với Israel, Hàn Quốc và các nước khác, tất cả đụng đến xử lý dữ liệu tiếng Việt, họ đều từ chối hết".
Ông này nói thêm, khi xử lý dữ liệu số hóa thì có thể dùng AI để chạy, nhưng khi xử lý dữ liệu cho người nông dân thì trước hết phải nói tiếng Việt: "Các công cụ dịch thuật như của Google cũng chỉ dùng cho vui thôi chứ nghiêm túc thì không áp dụng được. Tôi muốn hỏi Chính phủ và các doanh nghiệp lớn ở đây, bao giờ thì có AI xử lý dữ liệu tiếng Việt?".
Trả lời câu hỏi trên, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lưu – Trưởng Ban Chiến lược, Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel khởi động việc này từ cách đây một vài năm. Hai mảng Text to speak và Text to text đã được triển khai rất tốt và được áp dụng trong quy trình chatbot. Điều này giúp giảm chi phí chăm sóc khách hàng bằng cách trả lời tự động. Còn mảng Voice thì đang trong quá trình hoàn thiện.
"Không thể hy vọng có sản phẩm vừa tung ra thị trường là hoàn hảo ngay mà cần phải được cải thiện dần dần. Viettel sẽ sớm tung các phẩm này ra thị trường và lấy ý kiến phản hồi của khách hàng để dần hoàn thiện thêm", ông Lưu nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Big Data/AI của Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC chia sẻ: Sản phẩm eDocman của CMC cũng đang tiếp thu, học hỏi từ nhiều phía để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực AI.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cũng nêu ra câu trả lời từ phía FPT: "Chúng tôi phát triển không dựa vào Google mà mã nguồn là của mình. Hiện nay, mã nguồn đó để mở trên FPT AI với 4 triệu người dùng mỗi tháng từ các tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp... và có lẽ hơn anh em Google về tiếng Việt", ông hài hước chia sẻ.
Giải thích về vấn đề dùng Google Translate không hiệu quả, ông Yam Ki Chan – Giám đốc Chính sách công nghệ đám mây của Google khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói: "Dịch chuyên ngành đòi hỏi cao hơn nhiều so với dịch phổ thông và chúng tôi cũng đã có những công cụ dành riêng về dịch thuật trong lĩnh vực phát triển phần mềm, AI và đóng góp miễn phí cho cộng đồng".
Trong phần cuối của phiên thảo luận, một diễn giả nhận xét: Năm 2020 tới đây, Việt Nam sẽ là một trong 5 quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G. Đây sẽ là một sự đột phá về kết nối dữ liệu, là tín hiệu tốt để phát huy những điểm mạnh của Việt Nam như dân số trẻ, thích toán học và kỹ thuật, thích tìm hiểu những cái mới, có thêm nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực CNTT. "Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng đòn bẩy của xu thế tự động hóa và AI cho một nền kinh tế thịnh vượng hơn", ông này cho biết.