Hầu hết các thị trường cổ phiếu lớn trên thế giới đều đang có xu hướng chững lại sau một thời gian dài tăng trưởng mạnh mẽ không ngừng nghỉ.
Từ châu Âu tới Mỹ hay châu Á, nhiều chỉ số chính đã xuất hiện những dấu hiệu của sự điều chỉnh, sau những nỗ lực có vẻ rất yếu ớt nhằm chinh phục lại các mốc kháng cự đã thiết lập vài tháng trước. Những ngày cuối tháng 2, chỉ số S&P 500 đã không thể vượt qua được mốc kháng cự 2.800 điểm thiết lập lần đầu cách đó đúng một tháng. Sau đó, chỉ số này đành phải lùi về quanh mốc 2.700 điểm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thị trường dừng lại sau một thời gian tăng trưởng mạnh sẽ khiến các chỉ số bước vào giai đoạn biến động, với những phiên giao dịch có biên độ dao động trong phiên vô cùng lớn. Chỉ số Biến động thị trường (Volatility Index – VIX), được thiết kế bởi Sở giao dịch quyền chọn Chicago (Chicago Board Options Exchange – CBOE) để đo dao động của các chỉ số trong nhóm S&P 500, đã tăng lên mức cao nhất kể từ hồi tháng 9/2011.
Giá cổ phiếu biến động mạnh trong phiên khiến cho các nhà đầu tư giá trị lý trí nhất đôi khi cũng phải nghi ngờ vào quyết định của mình. Liệu có nên chốt lời sau một thời gian dài cổ phiếu tăng giá? Tiếp tục nắm giữ cổ phiếu có phải quyết định tốt nhất để tối đa hóa lợi nhuận?
Sẽ có một số chiến lược giao dịch thường xuyên được các chuyên gia đề nghị để sử dụng trong giai đoạn thị trường biến động, và phụ thuộc vào nhận định của họ về triển vọng thị trường.
Tuy nhiên, việc giao dịch theo các chuyên gia chiến lược thị trường như vậy đôi khi không mang lại kết quả như ý muốn. Một nhà đầu tư giá trị có lý trí nên giữ vững lập trường của mình và thấu hiểu lời khuyên của những bậc thầy về đầu tư giá trị để có thể đưa ra những quyết định tốt nhất cho bản thân.
Benjamin Graham, giáo sư trường Columbia và cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho các lý luận về đầu tư giá trị, đã từng viết: "…những nhà đầu tư giá trị đích thực rất ít khi bị bắt buộc phải bán đi cổ phiếu của mình. Anh ta chỉ cần quan tâm đến các dao động thị trường và hành động phù hợp với chiến lược danh mục đầu tư của bản thân. Nhà đầu tư nào mà để mình bị bấn loạn hoặc lo lắng quá đáng vì những lần giảm giá thị trường một cách vô lý với cổ phiếu của mình, thì anh ta đang biến lợi thế cơ bản của mình thành những bất lợi cơ bản một cách tai hại…".
Tuy vậy, cơ sở cho việc nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn thị trường dao động như hiện nay là nhà đầu tư buộc phải có hiểu biết đầy đủ về cổ phiếu của mình, về doanh nghiệp mà mình là cổ đông, về triển vọng kinh doanh trong quý tới hay năm tới, thậm chí phải hiểu về cả những cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu đó có chung lý tưởng với mình hay không. Không nhiều nhà đầu tư hiện nay làm được đầy đủ những điều này.
Chẳng hạn, mặc dù giá dầu thế giới vẫn đang trong một xu hướng tăng trưởng dài hạn kể từ mức đáy hơn 30$/thùng hồi đầu năm 2016, nhưng chỉ một sự điều chỉnh từ mức 66$/thùng về 60$/thùng cũng khiến cho cổ phiếu của một số công ty đầu ngành trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam bị bán tháo và mất tới gần 1/3 giá trị vốn hóa. Sau khi điều chỉnh, giá dầu thô đã tăng trở lại, và trong khi nó chỉ cần tăng 10% để lấy lại những gì đã mất, thì các cổ phiếu kia phải tăng tới 50% để trả giá cho sự nhút nhát của các nhà đầu tư.
Warren Buffett, người mà nhà đầu tư nào cũng đã từng ít nhất một lần nghe tên, cũng viết trong một bức thư gửi cổ đông của mình: "…Sinh viên đầu tư chỉ cần biết 2 bài học quan trọng – Làm thế nào để xác định giá trị một doanh nghiệp, và làm thế nào để đánh giá về thị trường? Mục tiêu của bạn, vì là một nhà đầu tư, nên chỉ đơn giản là mua vào, ở một mức giá hợp lý, một phần lợi nhuận của một doanh nghiệp đơn giản, dễ hiểu mà lợi nhuận của những công ty này hầu như chắc chắn sẽ cao hơn sau 5, 10 và 20 năm kể từ bây giờ.
Theo thời gian, bạn sẽ tìm thấy chỉ có một vài công ty đáp ứng tiêu chuẩn như vậy. Khi bạn nhìn thấy một công ty đủ tiêu chuẩn, bạn nên mua vào một số lượng cổ phiếu đủ lớn. Bạn cũng phải chống lại sự cám dỗ đi lạc khỏi những nguyên tắc của bản thân. Nếu bạn không sẵn sàng để sở hữu một cổ phiếu trong 10 năm, thì đừng nghĩ về việc sở hữu nó trong 10 phút…"
Quan sát quá trình đầu tư thực tiễn của ông, mọi người đều nhận thấy sự nhất quán với những lời ông nói. Đa số các cổ phiếu ông mua vào, ông đều quan niệm mình đang mua một phần doanh nghiệp. Và vì mua một phần doanh nghiệp, sự chuyển biến của giá cổ phiếu sẽ phụ thuộc theo sự chuyển biến của tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Rất khó để doanh nghiệp có thể xoay chuyển tình hình kinh doanh sau 1,2 quý. Do đó, ông rất ít khi bán ra cổ phiếu sau thời gian nắm giữ ngắn như vậy. Một số khoản đầu tư ông thậm chí chưa bao giờ bán, chẳng hạn cổ phiếu Berkshire Hathaway, công ty bảo hiểm GEICO hay ngân hàng Wells Fargo.
Cùng quan điểm về việc nắm giữ cổ phiếu và tầm quan trọng của nó đối với một nhà đầu tư giá trị, Philip A. Fisher, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường" đã phản bác mạnh mẽ việc bán tháo cổ phiếu. Ông nói: "…Nếu quá trình mua cổ phiếu được tiến hành một cách đúng đắn, thời điểm để bán ra cổ phiếu đó là hầu như không bao giờ…".
Philip A. Fisher cũng là người nổi tiếng với việc nắm giữ cổ phiếu Motorola hơn 50 năm cho tới khi ông chết và gặt hái được khoản lợi nhuận khổng lồ.
Tất nhiên, có nhiều vấn đề cần phải xem xét đối với mỗi nhà đầu tư để có thể vững tin vượt qua những biến động của thị trường. Để có thể nắm giữ cổ phiếu lâu dài, quá trình lựa chọn cổ phiếu để mua vào cũng không thể diễn ra chớp nhoáng. Những nhà đầu tư bị tác động để mua vào cổ phiếu một cách vội vã nhất, cũng chính là những người dễ bị tác động để bán tháo cổ phiếu nhất.
Thị trường dao động mạnh chắc chắn là một thị trường không còn bền vững nữa. Tùy thuộc vào vị thế đầu tư hay kinh doanh chênh lệch giá mà mình lựa chọn, các nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, việc giữ vững lập trường và đi theo một chiến lược nhất quán đã định trước là vô cùng quan trọng.
Nhà đầu tư thành công là những người bắt thị trường chơi theo luật của mình, chứ không phải những người chơi theo luật của thị trường.