Với quy mô dân số gần 100 triệu người cùng thu nhập ngày càng cải thiện, mức độ quan tâm tới sức khỏe của người dân Việt Nam ngày càng gia tăng.
Số liệu thống kê cho biết mỗi năm, người Việt hiện khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc. Với mức chi tiêu này y tế này, Việt Nam đang ở mức thấp trong khu vực Đông-Nam Á. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng của ngành y tế còn rất lớn.
Là ngành kinh doanh khá đặc thù, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư nhưng sự hiện diện của các bệnh viện trên sàn chứng khoán là khá hiếm. Hiện chỉ có 2 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán là Bệnh viện Tim Tâm Đức (TTD) và Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH). Ngoài ra, Bệnh viện Giao thông vận tải dù đã tiến hành IPO nhưng đến nay vẫn chưa lên sàn chứng khoán.
Bệnh viện niêm yết đầu tiên trên sàn HoSE lãi 50 tỷ đồng nửa đầu năm 2021
Tháng 1/2021 vừa qua, cổ phiếu TNH của CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đã chính thức ghi danh là cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán, vốn điều lệ hiện đạt 415 tỷ đồng, tương đương 41,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành.
Đây được xem là bước đi đột phá của TNH chỉ sau hơn 7 năm đi vào hoạt động hồi tháng 2/2014. Ngược lại dòng thời gian hồi mới thành lập, quy mô khi đó của TNH là 150 giường bệnh cùng vốn điều lệ 28 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu và lợi nhuận của TNH không có sự chênh lệch đáng kể. Cho đến cuối năm 2019, TNH đã xây dựng và đưa vào hoạt động thêm một bệnh viện thành viên là Bệnh viện đa khoa Yên Bình Thái Nguyên và tăng vốn gần 15 lần lên 415 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, TNH ghi nhận tăng trưởng mạnh 22% trong năm 2020, đây cũng là tiền đề cho kế hoạch đề ra năm 2021 tiếp tục tăng trưởng 2 chữ số.
Về cơ cấu cổ đông tại TNH, Chủ tịch HĐQT Hoàng Tuyên hiện nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn nhất với 19,2% tổng số cổ phần, bên cạnh đó là 4 cổ đông lớn khác đều là các cá nhân.
Nửa năm đầu tiên niêm yết, bệnh viện ghi nhận doanh thu 185 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, các khoản chi phí lãi vay cũng như lương cho nhân viên tăng mạnh bào mòn mạnh biên lợi nhuận của bệnh viện này. Tính đến 30/6/2021, tổng vay và nợ thuê tài chính của TNH là hơn 473 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản nợ vay dài hạn tại hàng loạt các ngân hàng.
Kết quả của gánh nặng nợ vay khiến LNST của TNH chỉ tăng nhẹ 6% lên 50 tỷ đồng, so với kế hoạch mới chỉ hoàn thành 36% mục tiêu lợi nhuận. Tuy vậy, phía bệnh viện cho biết chu kỳ kinh doanh chủ yếu ghi nhận lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm, do vậy TNH vẫn tự tin hoàn thành được kế hoạch đề ra trong năm 2021.
Cổ phiếu TNH trên thị trường đang giao dịch trong vùng giá lịch sử từ đầu tháng 8 tới đây, đưa thanh khoản tăng từ vài trăm nghìn lên có phiên đạt gần 2 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Phiên 18/8, TNH lập đỉnh lịch sử 43.300 đồng/cổ phiếu, sau đó đã quay đầu giảm nhẹ 400 đồng về mức 42.900 đồng/cổ phiếu (phiên 19/8).
Cổ phiếu TNH lập đỉnh lịch sử 43.300 đồng/cổ phiếu trong phiên 18/8 vừa qua
Bệnh viện tim chào sàn UPCoM từ năm 2017, lãi ròng quý 2 đi lùi chỉ còn vỏn vẹn 1 tỷ đồng
Thực tế trước TNH, đã có bệnh viện – tuy không niêm yết – nhưng đã giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2017, đó là CTCP Bệnh viện Tim Tâm Đức (Mã CK: TTD) hiện có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.
Trái ngược với đà đi lên của TNH, riêng trong quý 2 vừa qua, Bệnh viện Tim Tâm Đức chỉ đạt doanh thu 111 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ 2020. Đặc biệt, gánh nặng về chi phí giá vốn khiến biên lợi nhuận giảm mạnh, công thêm chi phí lương cho nhân viên tăng mạnh làm lãi ròng trong quý của TTD chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm tới hơn 90% so với quý 2/2020 – đánh dấu khoản lợi nhuận theo quý thấp kỷ lục của bệnh viện tim này.
Trong khi TNH thu lãi lớn, TTD lại vừa ghi nhận một quý có lợi nhuận thấp kỷ lục
Sau 6 tháng đầu 2021, TTD ghi nhận doanh thu 255 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 24%, còn 19 tỷ đồng, tương ứng 39% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm nay. Giải trình từ phía bệnh viện, Giám đốc cho biết sự đi lùi trong kết quả xuất phát từ diễn biến tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 khiến tỷ lệ sử dụng giường bệnh của TTD giảm xuống mức 30%.
Được biết từ quý 3/2021, TTD dự định giảm 15% nhân sự để giảm bớt chi phí tiền lương; đồng thời chấm dứt hoạt động 2 phòng khám trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để tối đa hiệu quả.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu TTD được giao dịch quanh vùng giá 50.000 đồng/cp, thanh khoản lình xình vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu được khớp lệnh. Chốt phiên 19/8, thị giá TTD đã giảm 2.800 đồng xuống mức 47.300 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu TTD
Bệnh viện liên quan đến "bầu" Hiển lỗ lũy kế 176 tỷ đồng
Năm 2015, tập đoàn T&T đã tham gia đầu tư khi bệnh viện Giao thông Vận tải tiến hành cổ phần hóa và nắm quyền chi phối với hơn 51% cổ phần.
Tuy nhiên, sau khi cổ đông Nhà nước xác định lại giá trị vốn, tỷ lệ sở hữu của T&T giảm từ 51% xuống chỉ còn 22,07%, từ đó mất quyền kiểm soát. Bệnh viện trở lại thuộc sở hữu công khi vốn Nhà nước chiếm tới 71,13%. Không hoàn thành mục tiêu, T&T sau đó đã có văn bản về việc thoái toàn bộ hơn 22% vốn, tuy nhiên đến hiện tại tập đoàn của "bầu" Hiển vẫn chưa thể rút khỏi bệnh viện này.
Về kết quả kinh doanh, tình hình của Bệnh viện Giao thông Vận tải ghi nhận không mấy khả quan khi từ năm 2016 đến nay chưa hề ghi nhận lãi. Quý 2 vừa qua, doanh thu giảm tới 16% so với cùng kỳ, chỉ còn khoảng 27 tỷ đồng. Giá vốn bào mòn hoàn toàn doanh thu khiến Bệnh viện Giao thông Vận tải lỗ gộp 6 tỷ đồng.
Cộng thêm các khoản chi phí quản lý, bệnh viện báo lỗ 11 tỷ đồng, lỗ ròng 6 tháng đầu năm lên tới gần 24 tỷ đồng, cao hơn cả mức 17 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2020. Tính tới cuối quý 2, lỗ lũy kế của Bệnh viện Giao thông Vận tải lên tới 176 tỷ đồng.
Bệnh viện Giao thông vận tải chưa từng ghi nhận lãi kể từ khi cổ phần hóa