Năm ngoái, trường hợp 2 cá nhân tại Hà Nội có thu nhập 590 tỷ đồng, nộp thuế 41,5 tỷ đồng từ việc viết phần mềm cho các mạng xã hội, Google đã gây xôn xao dư luận. Thuế thu từ 2 cá nhân này đã giúp số thu thuế từ hoạt động TMĐT năm 2020 tại Hà Nội đạt 123 tỷ đồng, gấp 5 lần năm 2019.
Sang đến 2021, dù nhiều hoạt động kinh tế và ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng dường như những người hoạt động trong lĩnh vực viết phần mềm, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số cho Google, Facebook, YouTube,... dường như "miễn nhiễm".
Tại Hà Nội, chỉ tính riêng Quý 3/2021, số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số, ứng dụng công nghệ thông tin…) tại các trang mạng xã hội nước ngoài như Google, Facebook, Youtube, Apple... đã tăng 59 tỷ đồng. Qua đó nâng tổng số thu này tại Hà Nội lên 226 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Hà Nội cũng là địa phương ghi nhận số thu thuế cao nhất từ các hoạt động trên.
Ngoài ra, một vài tỉnh thành khác cũng có số thu thuế từ hoạt động TMĐT lớn như trong nửa đầu năm như: TP. Hồ Chí Minh trên 122 tỷ đồng, Đà Nẵng 30 tỷ đồng,...
Tính chung cả nước, từ đầu năm 2021 đến nay, cơ quan Thuế đã thu được khoảng 1.017 tỷ đồng từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới, bằng 89% cả năm 2020 (năm 2020 đạt 1.143,8 tỷ đồng).
Theo số liệu tại hệ thống quản lý thuế, hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 08 trang điện tử hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế và số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhận Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Tính từ năm 2018 đến hết tháng 9/2021, các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, Youtube, Facebook... đã khai, nộp thuế với tổng số tiền là 4.099,68 tỷ đồng.
Trong khi đó, Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng đề án "Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” trình Bộ Tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính xây dựng Kế hoạch tổng thể để triển khai theo 2 giai đoạn.
Cụ thể, từ nay đến 2023, tập trung các giải pháp tăng cường công tác quản lý thông qua một số giải pháp quan trọng như: Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; triển khai thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề; hiện đại hoá công tác quản lý thuế; xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội có liên quan để trao đổi kết nối thông tin; củng cố địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ cho một số đơn vị để đáp ứng quản lý chuyên sâu đối với TMĐT; xúc tiến hợp tác quốc tế trong việc đàm phán hiệp định song phương, đa phương về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT...
Giai đoạn tiếp theo đến 2025, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) cũng đã đề xuất sửa đổi các Luật Thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quản lý TMĐT; xây dựng Đề án bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế...