Nhân vật chính của câu chuyện là Braden Wallake, CEO của công ty tiếp thị Hypersocial có trụ sở tại Ohio, Mỹ. Việc đăng tải hình ảnh đang khóc lóc sau khi sa thải nhân viên của Wallake nhanh chóng nhận về nhận hơn 6.700 bình luận và gần 33.000 lượt bày tỏ cảm xúc.
"Đây là điều tổn thương nhất mà tôi từng chia sẻ. Chúng tôi đã nghĩ đi nghĩ lại xem có nên đăng bài viết này hay không. Chúng tôi vừa phải sa thải một nhân viên của mình. Tôi thấy rất nhiều người bị sa thải trong vài tuần qua. Hầu hết lý do đều bắt nguồn từ tài chính và có thể là những lý do khác. Trong trường hợp này, đây là lỗi của tôi", Wallake viết nội dung bên cạnh bức ảnh đang khóc được đăng tải trên LinkedIn.
Wallake nói rằng anh ta đã đưa ra một quyết định vào tháng 2 và bây giờ, nó dẫn tới việc phải sa thải nhân viên. Tuy chưa giải thích quyết định của mình là gì nhưng Wallake nói rằng trong tương lai, anh sẽ nói rõ với mọi người về sai lầm đó.
Mô tả sa thải nhân viên là "điều khó khăn nhất" mà mình từng phải làm, Wallake nói rằng anh rất quý trọng nhân viên và ước rằng mình là một ông chủ "chỉ vì tiền và chẳng quan tâm tới bất cứ ai bị tổn thương trên hành trình phát triển" của họ.
Một số người dùng LinkedIn đã chế nhạo bài đăng của Wallake, gọi anh ta là một kẻ nước mắt cá sấu, đáng ghét và nên tập trung vào việc giúp đỡ các nhân viên cũ của mình hơn là xem phản ứng của cộng đồng mạng với mình ra sao.
"Làm ơn đi. Sa thải người khác là điều kinh khủng với ông nhưng nó còn kinh khủng với họ hơn rất nhiều. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới những phúc lợi, điều kiện sống của họ và gia đình chứ không chỉ là mấy giọt nước mắt như của ông. Tay này quả thật là một kẻ vô cảm và hời hợt. Trưởng thành lên đi, hãy quan tâm tới những người mà ông nói rằng ông lo lắng. Đừng tự nhận lỗi về mình trên mạng và đừng chỉ mải bận tâm tới tự ái của bản thân", một người dùng bình luận.
Tuy nhiên, có những người ủng hộ Wallake, nói rằng sa thải người khác là một cảm xúc thực sự tồi tệ. Họ cũng ca ngợi sự cởi mở của vị CEO này.
Một trong số những nhân viên cũ của Wallake chia sẻ điều này. Noah Smith, người từng làm việc với Wallake, nói rằng đây là một người sếp tốt và mong những người quản lý sau của mình sẽ được như vậy.
"Đối với những người mà tôi làm thuê, tôi sẽ chỉ làm cho những người giống Wallake với cái nhìn tích cực về cuộc sống. Tôi không chấp nhận làm việc cho những kẻ chỉ cố ép bạn làm nhiều hơn để họ giàu hơn", Smith chia sẻ.
Trong khi đó, bản thân Wallake cũng tiếp tục làm sáng tỏ thêm vấn đề với một bài đăng khác. "Xin chào mọi người. Vâng, tôi là CEO đang khóc. Tôi không có ý định đăng tải hình ảnh đó để gây ra một cuộc tranh cãi hay khiến chính bản thân mình bị chỉ trích. Tôi rất tiếc vì sự việc xảy ra theo cách như vậy", Wallake nói.
Bản thân vị CEO này cũng khẳng định anh sẽ không công khai tên của các nhân viên lên mạng. Thay vào đó, Wallake muốn cố gắng để cải thiện tình hình và bắt đầu mang đến cơ hội cho những người tìm việc khác.
André Spicer, giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Bayes, nói với CNBC rằng bài đăng này không có gì đáng ngạc nhiên, nhất là khi đặt nó vào các xu hướng quản lý hiện nay.
"Đó là một xu hướng, khi các CEO và người lãnh đạo được khuyến khích trở nên thực tế cũng nhưng mang những cảm xúc thật của họ vào công việc. Khi có thể biểu hiện những cảm xúc và phản ứng thực sự từ người lãnh đạo, mọi người cũng sẽ được khuyến khích làm điều tương tự. Đó là tư duy quản lý hiện tại và những việc tương tự chẳng có gì đáng ngạc nhiên", ông Spicer nói.
Vị giáo sư này còn nói thêm rằng ông Wallake dường nhưng đang nỗ lực cân bằng giữa công việc và cảm xúc của mình. Tuy nhiên, cần có giới hạn để đảm bảo mọi việc không vượt quá tầm kiểm soát cũng như khiến chính người chia sẻ phải gánh chịu thêm áp lực khi trở thành tâm điểm "gạch, đá" từ mạng xã hội.
"Lý tưởng nhất là Wallake có thể chia sẻ một cách có giới hạn, với việc thành thật một chút về những sai lầm của bản thân anh ta, nhưng không biến nó trở thành tâm điểm của sự công kích nhằm vào bản thân mình", Giáo sư Spicer nói.